Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện dịch bệnh khó lường

29/07/2021 - 07:13

 - An ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường...

Đảm bảo an ninh lương thực đáp ứng nhu cầu con người, chế biến, dự trữ và một phần xuất khẩu

Đứng trước thời cơ và thách thức đó, ngày 22-7-2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch 11-KH/TU của Tỉnh ủy về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, với nhiều nội dung và giải pháp cụ thể. Trên cơ sở xác định công tác bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mỗi người dân, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực.

Mục tiêu nhằm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, đảm bảo sinh kế và thu nhập người nông dân làm ra lương thực và thực phẩm gắn với nâng cao chất lượng dinh dưỡng thông qua cơ hội đa dạng sản xuất nông nghiệp An Giang.

Chủ động phương án đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trong mọi tình huống. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn; ứng dụng công nghệ cao, khoa học - công nghệ vào sản xuất; phát huy lợi thế của từng vùng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa về nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, đáp ứng nhu cầu con người, chế biến, dự trữ và một phần xuất khẩu. Duy trì sản lượng lúa và các cây lương thực khác từ 3-3,5 triệu tấn/năm. Nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất nông nghiệp, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Bảo đảm an ninh lương thực gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Đảm bảo đủ nguồn cung lương thực có chất lượng với tốc độ tăng sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số.

Đảm bảo nông dân ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn có lãi bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất; thu nhập cho người dân nông thôn đến năm 2030 cao hơn 2 lần so hiện nay. Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, giảm tỷ trọng sử dụng gạo, tăng sử dụng thịt, sữa, trứng, cá, rau, quả các loại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Nâng cao mức tiêu thụ calo lên trên 2.500 Kcal/người/ngày; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi còn dưới 19% và thể nhẹ cân còn dưới 10,5%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%; đồng thời thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong lĩnh vực trồng trọt chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định và sử dụng hiệu quả diện tích đất canh tác lúa nước 200.000 ha/năm đến năm 2030, đảm bảo đủ sản lượng lương thực phục vụ người dân. Đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực có chất lượng với tốc độ tăng sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số. Phấn đấu đến năm 2030 tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao hơn gấp 2 lần so năm 2020, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, sản xuất an toàn. Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 3-5% và sản xuất dưới hình thức liên kết đạt trên 20%...

Lĩnh vực chăn nuôi phấn đấu đạt tốc độ tăng GO 11,4%, nâng tỷ lệ giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp lên trên 4,9% vào năm 2025, trên 6% năm 2030. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong lĩnh vực thủy sản phấn đấu đạt tốc độ tăng GO 7,3%, tỷ lệ giá trị sản xuất ngành thủy sản trong nội ngành nông nghiệp trên 26% vào năm 2025, trên 30% vào năm 2030. Tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh là cá tra (cá tra thương phẩm và cá giống). Phát triển các cơ sở sản xuất giống thủy sản đảm bảo năng lực cung cấp 3-5 tỷ con giống chất lượng tốt/năm, với chủ lực là cá tra giống chất lượng cao của Đề án giống cá tra 3 cấp của tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả, khả thi, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa các chủ trương và giải pháp thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực, tạo sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân về đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình mới. Tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm theo hướng tập trung quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị; đổi mới phương thức sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nông sản...

HẠNH CHÂU