Đảm bảo tăng trưởng ngành nông nghiệp

05/05/2022 - 06:53

 - Trong bối cảnh sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 gặp bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, năng suất và sản lượng giảm, thì bù lại, thủy sản có dấu hiệu khởi sắc, chăn nuôi phục hồi. Tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,7% năm 2022.Trong bối cảnh sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 gặp bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, năng suất và sản lượng giảm, thì bù lại, thủy sản có dấu hiệu khởi sắc, chăn nuôi phục hồi. Tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,7% năm 2022.

An Giang quyết tâm đạt tăng trưởng nông nghiệp 2,7% năm 2022

Tăng trưởng cả 3 lĩnh vực

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, những tháng đầu năm 2022, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Diện tích xuống giống và năng suất lúa giảm nhẹ, nhưng gieo trồng rau màu, chăn nuôi và thủy sản có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.

Ước tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2022 đạt khoảng 16.759 tỷ đồng, tăng 1,89% (tương đương 311 tỷ đồng) so cùng kỳ năm 2021. Toàn ngành nông nghiệp tập trung nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững. Bên cạnh đó, chú trọng quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; dự báo và phòng, chống thiên tai, dịch hại; tiêm phòng vật nuôi để đảm bảo ngành nông nghiệp phát triển ổn định, hỗ trợ thiết thực cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, để đạt tốc độ tăng trưởng 2,7% năm 2022, ngành nông nghiệp cần tăng đều cả 3 lĩnh vực. Đối với lĩnh vực thủy sản, tăng sản lượng cá tra, cá giống và các loài cá có giá trị kinh tế khác. Đối với lĩnh vực trồng trọt, chủ yếu tăng lúa chất lượng cao và cây ăn trái đã trồng từ những năm trước. Đối với chăn nuôi, tăng mạnh chăn nuôi heo thịt và gà thịt theo hình thức trang trại do doanh nghiệp (DN) đầu tư.

Trong lĩnh vực thủy sản, thế mạnh con cá tra đang được phục hồi và phát huy. Giá cá tra nguyên liệu đang khởi sắc trở lại, dao động khoảng 31.000-33.000 đồng/kg (kích cỡ cá từ 0,8kg đến dưới 1,2kg/con); giá bán cá tra giống khoảng 38.000-45.000 đồng/kg (loại 25-30 con/kg). Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản An Giang, với kết quả này, lĩnh vực thủy sản vượt mục tiêu tăng trưởng quý I, khả năng quý II vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Từ nay đến cuối năm 2022, tùy tình hình giá và sức mua thị trường, có thể thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng từ 6-10% (đảm bảo đạt kế hoạch tăng trưởng đề ra là tăng 600 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng 6%).

Khai thác thế mạnh

Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, từ cuối năm 2021, DN thủy sản tập trung thả phủ kín diện tích còn trống, chưa thả nuôi cá tra. Trong khi đó, những hộ nuôi cá cũng thả giống vào ao nuôi gần như đạt 90%; diện tích thả nuôi ở cơ sở nuôi liên kết và DN tiếp tục thả nuôi đạt 100% sau khi thu hoạch. Vì vậy, dự báo nguyên liệu cá tra thu hoạch tăng từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng cá tra đến kích cỡ thu hoạch quý II sẽ đạt 140.000 tấn.

Do cá nguyên liệu đến kỳ thu hoạch nhiều, nên dự báo nhu cầu con giống cá tra sẽ tăng theo. Ngành nông nghiệp hiện đang theo dõi diện tích thả nuôi và khuyến cáo nuôi theo diện tích quy hoạch. Kỳ vọng các tháng cuối năm, sản lượng cá thu hoạch vượt so kế hoạch tăng trưởng ngành thủy sản năm 2022.

Về chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết, một số trại chăn nuôi gà thịt, heo thịt liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tăng quy mô chăn nuôi tại trại, nên sản lượng sản phẩm chăn nuôi dự kiến đến cuối năm tăng so với kế hoạch, khả năng đảm bảo tăng trưởng ngành chăn nuôi năm 2022. Ghi nhận tháng 3 và 4/2022, giá thịt heo hơi bình quân từ 51.000-54.000 đồng/kg, giảm nhẹ 1.000 đồng/kg; giá thịt bò hơi từ 82.000-86.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg so tháng 2/2022. Giá bán ở mức khá, đảm bảo lợi nhuận ổn định là động lực thúc đẩy hộ chăn nuôi tái đàn, mở rộng quy mô liên kết.

Đối với trồng trọt, nhiều khó khăn xuất hiện, như: Giá vật tư, phân bón tăng cao; một số cây ăn trái giá bán thấp (xoài 3 màu, mít… do thị trường Trung Quốc không nhập). Riêng giá lúa, vẫn đang duy trì ở mức khá (lúa tươi IR50404 từ 5.500-5.700 đồng/kg, OM5451 từ 5.500-5.700 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.800-6.000 đồng/kg), nhưng diện tích và năng suất lúa có khuynh hướng giảm nhẹ. Để đạt mức tăng trưởng năm 2022, ngành nông nghiệp tăng cường mời gọi DN, khuyến khích nông dân tham gia liên kết sản xuất, tăng diện tích canh tác lúa chất lượng cao trong vụ hè thu và thu đông 2022.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức Tổ phản ứng nhanh cấp xã, huyện, phát huy hiệu quả hoạt động của tổ để tiếp tục hỗ trợ nông dân, DN tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững. Đồng thời, lồng ghép Tổ khuyến nông cộng đồng vào Tổ phản ứng nhanh cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông và liên kết, tiêu thụ nông sản.

NGÔ CHUẨN