Đảng, Nhà nước luôn quan tâm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

31/05/2024 - 06:31

 - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã đạt thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với Công ước quốc tế.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Thể chế quan điểm đó, ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 234/SL - văn bản pháp quy đầu tiên, quy định trách nhiệm của Chính phủ về đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. 

Quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước thể hiện trên nguyên tắc Hiến định, được quy định trong Hiến pháp từ năm 1946 đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013, thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo. Đảng khẳng định: “Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân”, “đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam”.

Chăm lo đời sống, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc, tôn giáo

Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, cả nước có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự trong toàn quốc. 

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng rất phong phú. Với 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng của Nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.

Trong 20 năm qua, Nhà nước ban hành trên 30 văn bản pháp quy quy định về các hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo, sửa đổi các điều Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Nhất là Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận…”. Việt Nam có đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Mỗi cá nhân hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào…

Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông. Cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường giao lưu, trao đổi các đoàn với các tổ chức tôn giáo trên thế giới. 

An Giang có 11 tôn giáo được công nhận với 508 cơ sở thờ tự hợp pháp và trên 200 cơ sở tín ngưỡng dân gian, hơn 1,5 triệu tín đồ (theo Niên giám thống kê 2019) và khoảng 5.800 chức sắc, chức việc. Tình hình hoạt động tôn giáo ổn định, sinh hoạt tôn giáo ngày càng nền nếp, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, hài hòa giữa việc đời - việc đạo. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở An Giang tiếp tục thực hiện tốt. Ban Tôn giáo tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, tín đồ theo pháp luật; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các chương trình hoạt động tuyên truyền, vận động tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”… và đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 Thế nhưng, núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, với các luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền”… các thế lực thù địch xuyên tạc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam rất trắng trợn. Chúng lợi dụng Internet, lập các website, mạng xã hội để phát tán, đăng tải các bài viết, hình ảnh, clip xuyên tạc chính sách tôn giáo, bôi nhọ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Chúng tìm cách “chính trị hóa” vấn đề tôn giáo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo; kích động người dân tham gia biểu tình, gây ra điểm nóng tôn giáo…

 Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo đều phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, như Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình phải chịu các giới hạn. Chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”. 

 Những chiêu bài lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch chỉ là những vu khống, bịa đặt, thiếu căn cứ. Mọi người dân cần tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu gây bất ổn xã hội. Cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường chủ động hơn trong công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân tham gia tôn giáo thực hiện đúng chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; kịp thời phát hiện, đấu tranh âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận. Qua đó, tăng cường đoàn kết các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

H.N