Đau đầu với nạn “Tra tấn tiếng ồn”

10/02/2022 - 07:01

 - Các hoạt động vui chơi, ca hát dịp Tết Nguyên đán là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lợi dụng chơi Tết để “Tra tấn tiếng ồn”, ảnh hưởng lớn đến tinh thần hàng xóm thì rất khó chấp nhận. Vui chơi thế nào để đảm bảo chừng mực, có văn hóa, tránh làm phiền người khác, thậm chí không vi phạm pháp luật?

Chỉ vài triệu đồng, người dân đã có thể mua dàn máy hát karaoke tại nhà. Thậm chí, với điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet và micro, ai cũng có thể thỏa mãn đam mê ca hát ở bất cứ nơi nào. Thế nhưng, sự tiện lợi này gây ra nhiều phiền toái, làm mất trật tự xã hội. Ngoài việc ca hát bất kể giờ giấc, ngày đêm, tiếng ồn từ các nhà hàng, quán nhậu, điểm karaoke ở xung quanh là ám ảnh của cộng đồng. Vấn đề này tồn tại nhiều năm qua, gây ảnh hưởng lớn đến bộ mặt nông thôn mới, đô thị văn minh, cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

“Không thể đánh đồng bữa tiệc vui nào cũng đều vi phạm âm thanh tiếng ồn. Có những gia đình tổ chức bữa tiệc hết sức văn minh, ấm cúng, đủ vui, không làm ảnh hưởng hàng xóm láng giềng. Các quán cà phê mở nhạc nhẹ nhàng, vừa đủ thư giãn đầu óc. Cái đáng phê phán ở đây là những âm thanh quá mức, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Ca hát, vui chơi trong dịp Tết là điều bình thường, nhưng không ít người chỉ biết bản thân mình, bất chấp sự khổ sở của người lân cận. Họ hát như tra tấn, tiếng vang xa khiến người khác rất mệt mỏi, không thể nghỉ ngơi. Người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ phải sang nơi khác “lánh nạn”. Thậm chí, có người vào bệnh viện do tim mạch, huyết áp tăng” - bà Lê Thị T.T (ngụ ấp Phú Hữu, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) than thở.

Một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết, tiếng ồn là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Với người bình thường, cường độ âm thanh trên dưới 50dB nằm trong ngưỡng chấp nhận được, từ 80dB trở lên có thể gây suy giảm thính giác. Trong khi các thiết bị hát karaoke hiện nay, cường độ âm thanh có khi lên tới 110dB. Ngoài ra, người sống và tiếp xúc thường xuyên với cường độ âm thanh lớn sẽ không thể có giấc ngủ ngon, về lâu dài dẫn đến chứng mất ngủ kinh niên. Những người mắc bệnh mãn tính tiếp xúc nhiều với tiếng ồn sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, đặc biệt đối với người lớn tuổi.

ThS Nguyễn Hồng Hoai, Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh An Giang) thông tin: “Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm, mức phạt từ 200.000-600.000 đồng). Nếu hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên, nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2dB trở lên sẽ bị xử phạt theo Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Cụ thể, tiếng ồn vượt từ 2dB đến dưới 10dB, bị phạt tiền từ 1-20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền từ 2-40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn vượt từ 30dB trở lên, bị phạt tiền từ 100-160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền từ 200-320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm)”.

Một cán bộ địa phương bày tỏ, trong thực tiễn, để xử lý vi phạm tiếng ồn, phải bắt quả tang hoặc có chứng cứ cụ thể. Theo quy định hiện nay, cán bộ xã, phường, thị trấn không có thẩm quyền đo tiếng ồn (hoặc thuê đơn vị độc lập có chức năng kiểm tra tiếng ồn). Người dân phản ánh, địa phương chỉ nhắc nhở hoặc buộc đối tượng vi phạm ký cam kết không tái phạm, còn việc bị xử phạt rất khó thực hiện. Điều này đặt ra yêu cầu quy định pháp luật phải điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở có chức năng kiểm tra, đề xuất xử lý ô nhiễm tiếng ồn, hạn chế tình trạng “khắp nơi ca hát” một cách vô tội vạ, bất kể giờ giấc, địa điểm.

Đã có không ít vụ mâu thuẫn đánh nhau, thậm chí án mạng vì tiếng ồn karaoke. Mỗi người dân nên xây dựng ý thức sống văn minh, tôn trọng người xung quanh, giữ gìn tình làng nghĩa xóm; luôn nhắc nhở bản thân và người thân trong gia đình “đừng vui quá mức” để tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: N.R