Dâu tây trên đất cù lao

22/06/2021 - 05:50

 - Quyết tâm theo đuổi hướng đi sản xuất nông sản sạch, sau thời gian thành công trồng các loại rau hữu cơ, anh Đỗ Chí Nam (xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) tiếp tục thử sức với dâu tây. Trong quá trình thuần loại trái cây khó tính này để thích nghi với thời tiết miền Tây, anh Nam đã chọn lọc một số giống dâu tây phù hợp để phát triển, đáp ứng nhu cầu yêu thích chăm sóc của nhiều khách hàng khi có thể vừa chơi kiểng, vừa ăn được trái.

Năm 2020, anh Nam mua 10 chậu dây tây để trồng chơi, chưa được bao lâu thì cây chết gần hết. Anh mới nhận ra giống cây này không dễ trồng như… lời quảng cáo. Vì yêu thích, anh quyết tâm không bỏ cuộc, tìm hiểu và nhập thêm nhiều giống dâu tây khác nhau về trồng thử nghiệm, mục đích tìm ra loại phù hợp nhất có thể thích nghi với thời tiết nóng ở miền Nam.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, anh Nam không chỉ thành công mà còn bán ra thị trường khoảng 300 chậu dâu tây cho khách hàng sỉ và lẻ, thu lời 15 triệu đồng. “Khi hiểu ý sinh trưởng của cây thì việc chăm sóc rất dễ. Dâu tây không ưa nước, chỉ cần vài đám mưa lớn thì cây có thể nhiễm nấm và thối rễ chết. Nếu người trồng “cưng” quá mà bón nhiều phân cây cũng chết. Vì vậy, tôi đưa toàn bộ dâu tây vào nhà màng để điều tiết lượng nước tưới vừa đủ, sử dụng rất ít phân bón hữu cơ, còn lại chủ yếu phun dưỡng lá và hoa. Nếu trồng đạt, 1 cây dâu sẽ cho từ 5-6 trái. Do sinh trưởng nơi khí hậu nóng, kích cỡ trái chỉ bằng 60% so các vùng mát mẻ. Tuy nhiên, chất lượng, hương vị không thua kém” - anh Nam chia sẻ.

Nhà màng trồng dâu tây của anh Đỗ Chí Nam

Qua thử nghiệm với 5 giống dâu tây, anh Nam chọn ra 3 giống có khả năng sinh trưởng phù hợp tại đây. Trong đó, giống Hana có trái siêu ngọt nhưng khó trồng nhất, vẫn xảy ra hao hụt; dâu tây Nhật lùn Noka thích nghi và chịu hạn tốt, trái rất sai, tỷ lệ sống 100%; dâu bạch tuyết (trái màu trắng) có vị ngọt thanh và rất ngon, đang có giá cao nhất trong các loại. Nhờ thành công bước đầu và có đầu ra ổn định, anh Nam tiếp tục thử nghiệm trồng thêm các giống dâu tây Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp…

Nhà màng hiện có tổng số 700 chậu dâu tây, được anh chia thành nhiều khu vực để nhân giống, bán cây con, cây trưởng thành và chuẩn bị bán trái. Dâu được trồng bằng đất tơi xốp trộn xơ dừa, mặt trên rải lớp trấu mỏng để giữ ẩm và nâng đỡ cho trái.

Dâu Hana cho trái ngọt

Lứa cây bố mẹ đầu tiên được anh Nam mua từ nhà vườn cấy mô ở Đà Lạt. Từ nguồn chuẩn này, anh nhân giống bằng cách lấy ngó. Sau 3 tháng chăm sóc, mỗi cây dâu tây khỏe sẽ cho từ 5-10 ngó, được chiết ra bầu nhỏ trong 15 ngày sẽ thành cây con. Bình quân 100 cây dâu cấy mô có thể nhân giống bằng ngó được 400-500 cây con, nhờ vậy chỉ bán cây giống đã có thể thu hồi vốn rất nhanh. Các lứa ngó có thời gian cho trái và chất lượng giảm dần nên anh chỉ lấy từ F1 đến F3, giá bán từ 8.000-10.000 đồng/cây. Nếu không bán cây giống, anh tiếp tục chăm sóc đến giai đoạn ra trái để bán giá cao hơn (từ 40.000-60.000 đồng/chậu).

Dâu bạch tuyết có màu trắng lạ mắt

Khoảng 3 tháng nữa, vườn dâu của anh Nam tiếp tục bán ra 400 chậu dâu tây ra trái thuộc giống Noka giao cho các vựa hoa kiểng. Anh đang chăm sóc số lượng lớn các giống còn lại để bán vào đợt cuối năm. “Giai đoạn này, tôi chủ yếu trồng dâu tây sản phẩm để bán. Trên thị trường hiện có rất nhiều người thích trồng dâu tây như một loại kiểng mi-ni nhỏ gọn, trái chín có màu đỏ đẹp, vị chua ngọt hấp dẫn. Tuy nhiên, đa số họ chia sẻ trồng cây một thời gian đều bị chết. Tôi đã tìm ra công thức để trồng hiệu quả, sẵn sàng chỉ mọi người cùng trồng, không chỉ dâu tây mà kể cả các loại rau xanh để ai cũng có thể tự tạo ra nguồn rau sạch, an toàn” - anh Nam cho biết.

Với không gian nhỏ, anh áp dụng cách trồng kệ đối với dâu tây và dàn chữ A nhiều tầng đối với rau lá để tối ưu diện tích. Nhờ thành công với 2 loại cây trồng này, mỗi tháng trừ chi phí, gia đình thu về lợi nhuận 15-20 triệu đồng. Do điều kiện không thể mở rộng hơn nữa, sau mỗi lần mày mò nghiên cứu kỹ thuật trồng thành công, anh Nam duy trì bằng cách chuyển giao nguồn giống, kinh nghiệm hoặc hệ thống trọn gói cho những nhà vườn có nhu cầu trồng quy mô lớn hơn.

MỸ HẠNH