Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính

06/03/2018 - 01:15

 - Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động cải cách hành chính (CCHC) có vai trò quan trọng nhằm cung cấp các dịch vụ và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trở nên tốt hơn, hiệu quả hơn, từng bước nâng cao tính minh bạch và bình đẳng. Trong quá trình xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, CNTT phải đi trước một bước nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan hành chính được UBND tỉnh, các cấp, ngành quan tâm thực hiện mạnh mẽ, như: phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng, thư điện tử, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC theo mô hình “một cửa”, tiếp nhận và xử lý hồ sơ qua Internet… các dự án, đề án, kế hoạch được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Trong đó ứng dụng CNTT vào thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được triển khai thực hiện khá tốt, kết quả trả hồ sơ của các cơ quan, đơn vị đạt yêu cầu về mặt thời gian. Việc công khai minh bạch, số liệu, tài liệu, TTHC và các văn bản khác được các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc. 100% sở, ngành có dịch vụ hành chính công và UBND cấp huyện đã triển khai ứng dụng phần mềm “một cửa”, tích hợp thông tin tình trạng hồ sơ vào trang “một cửa” trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; trên 80% đơn vị cấp xã ứng dụng phần mềm “một cửa”.

Bên cạnh đó, việc triển khai trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã mang lại hiệu quả thiết thực và được người dân đánh giá cao.

Năm 2017, trả 17.000 kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC đến địa chỉ người dân, doanh nghiệp là 9.358 sản phẩm.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thông tin thành phần vận hành tốt, cập nhật các thông tin kịp thời, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt chủ trương Nhà nước để thực hiện đúng quy định.

Việc triển khai ứng dụng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh được quan tâm thực hiện nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Việc ứng dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an toàn thông tin khi gửi - nhận văn bản trên môi trường mạng. Tình hình an toàn thông tin được lãnh đạo các cấp, ngành quan tâm.

Nhiều sở, ngành, địa phương ban hành quy chế an toàn thông tin nội bộ, trang bị máy tính soạn thảo văn bản có tính bảo mật cao, phần mềm diệt virus có bản quyền.

Các doanh nghiệp bưu chính viễn thông phát triển tương đối ổn định, thực hiện đầu tư các công trình để cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng tốt hơn…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trương Minh Thuần cho rằng: bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC vẫn còn một số hạn chế. Trong đó việc triển khai tuy rộng khắp nhưng mức độ chưa đều, yếu dần ở UBND cấp huyện, xã. Nguyên nhân do cán bộ, công chức, viên chức chưa thay đổi thói quen làm việc thủ công nên khi ứng dụng CNTT vào công việc gặp khó khăn, lúng túng.

Mặt khác, người dân và doanh nghiệp cũng chưa tham gia nhiều trong việc đăng ký TTHC thông qua các dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên cổng thông tin điện tử nên hồ sơ điện tử được tiếp nhận qua mạng còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng: thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng CNTT vào CCHC, bước đầu đạt những kết quả tốt. Tuy nhiên, một số nơi chưa tích cực thực hiện CCHC trên lĩnh vực CNTT, chưa ứng dụng cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trong việc tiếp nhận hồ sơ TTHC, đồng thời chưa triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Còn nhiều phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã chưa khai thác hiệu quả phần mềm quản lý văn bản chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng…

Do đó, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo việc ứng dụng CNTT, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trong việc tiếp nhận - trả kết quả giải quyết TTHC; chủ động phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp tình trạng xử lý hồ sơ bảo đảm tất cả thông tin về tình hình giải quyết TTHC được kiểm soát chặt chẽ tại một đầu mối cấp tỉnh.

Thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích kết hợp cổng dịch vụ công trực tuyến, tăng lượng hồ sơ giải quyết theo mức độ 3, 4, tối thiểu phải đạt 30% số hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 4 và 40% đạt mức độ 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu: UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và cấp xã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, tập trung điều hành trên môi trường mạng (phải đạt ít nhất 80% văn bản thực hiện trên môi trường mạng), đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính

Hội nghị trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn nhằm hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử   

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích