Dạy trẻ làm lồng đèn và bánh trung thu

22/09/2023 - 06:08

 - Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, mong muốn trẻ em được trải nghiệm những điều bổ ích phù hợp với lứa tuổi, Nhóm Thiện nguyện Búp Sen Trắng (tập hợp những giáo viên chuyên ngành mầm non ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã tổ chức nhiều buổi dạy trẻ cách làm bánh trung thu, trang trí lồng đèn. Ý nghĩa hơn, học phí thu được từ các khóa học, nhóm tiếp tục mang “trung thu” đến với những trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa.

Hơn 1 tháng nay, cứ mỗi cuối tuần, căn nhà nhỏ nằm trên đường Đặng Thai Mai (Khu dân cư Xẻo Trôm, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) luôn rộn ràng, đầy ắp tiếng trẻ thơ. Gian nhà của chị em trong Nhóm Thiện nguyện Búp Sen Trắng trở thành nơi để các em thử sức, tự tay mình làm ra những chiếc bánh trung thu, lồng đèn.

Không lựa chọn mua sẵn quà trung thu để tặng trẻ em nghèo như mọi năm, hoạt động năm nay của nhóm sáng tạo hơn, với việc hướng dẫn cho các em học làm bánh trung, lồng đèn. Số tiền học phí thu được, nhóm trích lại tiếp tục mua vật liệu làm bánh trung thu và lồng đèn, tặng trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa.

Cô Linh hướng dẫn trẻ cách làm bánh

Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy (giảng viên ngành Giáo dục mầm non, Trường Đại học An Giang, Trưởng nhóm Thiện nguyện Búp Sen Trắng) thông tin: “Mỗi hoạt động đều mang đến cho trẻ trải nghiệm bổ ích, rất cần thiết cho sự trưởng thành ở trẻ. Bên cạnh một số hoạt động phổ biến giúp mang lại niềm vui và sự sáng tạo cho trẻ, như: Tô tượng, làm nến thơm, nhóm đang tạo nên nhiều hoạt động để các bé tăng kỹ năng sống, tạo ra những sản phẩm có thể dùng để ăn là bánh trung thu và vui chơi là lồng đèn.

Hoạt động được diễn ra mỗi tuần với đa dạng các nội dung khác nhau. Búp Sen Trắng đã tổ chức vài hoạt động để các bé tham gia trải nghiệm, như: Làm bánh trung thu truyền thống, bánh trung thu vỏ màu từ rau củ, bánh dẻo, trang trí lồng đèn bằng gỗ. Các bé tham gia sẽ tự tay pha chế một số loại nước uống vừa ngon vừa bổ dưỡng, như: Trà trái cây nhiệt đới, trà sữa, trà đào trân châu chanh sả…”.

Các em được hướng dẫn tô màu, trang trí lồng đèn

Cô Thủy cho biết thêm, Búp Sen Trắng workshop (mô hình làm việc tại cửa hàng) chỉ mới được tổ chức vài tuần gần đây, một số nội dung trải nghiệm gắn liền với sự kiện đón mùa Trung thu năm nay, nhận được sự phản hồi rất tích cực từ các bé và phụ huynh.

“Các bé thích thú với những sản phẩm làm ra, mang khoe với người thân và bạn bè về thành quả làm được. Phụ huynh bày tỏ sự phấn khởi vì mang lại sự trải nghiệm bổ ích cho bé. Họ nhận thấy được con tự tin và cởi mở giao tiếp hơn sau mỗi lần tham gia workshop” - cô Thủy chia sẻ.

Có mặt cùng con trong buổi làm bánh trung thu, chị Trần Thanh Giang (phụ huynh bé Nguyễn Hưng Phát, phường Mỹ Phước) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi cho con trải nghiệm làm bánh trung thu. Ban đầu, khi nghe bạn bè giới thiệu buổi workshop, tôi nghĩ rằng con tôi là bé trai, không cần thiết hoặc sẽ không hứng thú với hoạt động làm bánh, nhưng khi tham gia, tôi mới thấy con có niềm đam mê, lắng nghe cô giáo hướng dẫn từng bước nhồi bột, cân bột, nặn hình con vật, nướng bánh và tỉ mẩn gói thành phẩm. Con còn viết lời yêu thương gửi đến mẹ, tự pha cho mẹ ly nước giải khát theo công thức, mình rất hài lòng”.

Cất công chở con từ thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân) đến TP. Long Xuyên để con trai (Minh khôi, 6 tuổi) trải nghiệm buổi học, chị Kim Ngọc cho biết, rất yêu thích các hoạt động của nhóm. Bởi với các hoạt động tập thể, chị thấy con lanh lợi hơn, phối hợp nhóm cùng làm với bạn bè, hào hứng với sản phẩm do tự tay làm ra. Bé được hướng dẫn cách làm và trang trí lồng đèn, tự nặn từng chiếc bánh mang về nhà tặng ông bà. Chị mong muốn không chỉ trong mùa Trung thu, Nhóm thiện nguyện Búp Sen Trắng sẽ phát triển thêm những buổi dạy trải nghiệm để các bé có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống.

Thành quả lồng đèn sau buổi học

Trực tiếp đứng lớp hướng dẫn các bé làm bánh, cô Nguyễn Thị Cẩm Linh (Trường Mầm non Chợ Vàm, huyện Phú Tân) bất ngờ với sự lan tỏa các hoạt động của nhóm. “Từ niềm đam mê làm các loại bánh, tôi mong muốn truyền cảm hứng, niềm đam mê cho các bé làm quen với các hoạt động sáng tạo. Đây là cách kết nối giữa trẻ và các hoạt động tự nhiên, gần gũi với gia đình, thích hợp cho các bé phát triển các kỹ năng, giúp các bé thư giãn, phần nào chữa lành đối với những đứa trẻ tăng động, thuộc chứng phổ tự kỷ” - cô Linh bộc bạch.

Chia sẻ dự định sắp tới, cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy cho biết: “Nhóm sẽ sử dụng nguồn kinh phí từ học phí của phụ huynh đóng góp, tiếp tục tổ chức hoạt động hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn) làm bánh trung thu, làm lồng đèn ông sao, lồng đèn bằng trúc, để các em vùng quê được trải nghiệm các hoạt động của ngày Tết thiếu nhi.

Các em học sinh có điều kiện có thể tham gia cùng với nhóm, qua đó sẽ được vun bồi thêm tình yêu thương, biết chia sẻ với bạn bè có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Để hoạt động sắp tới của nhóm thêm phong phú, Búp Sen Trắng sẽ tổ chức các nội dung trải nghiệm cho bé thiết kế vật dụng cá nhân, như: Gương soi, kẹp tóc, ví học sinh, ốp lưng điện thoại, làm tranh đính đá, làm xà bông thơm kết hợp với hoa lá tự nhiên...”.

NGỌC GIANG