Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị, Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chiều 18-6, tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã báo cáo tổng hợp về kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết này.
Cải thiện môi trường đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có thể thấy, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, một trong những điểm nhấn rõ nét nhất là hệ thống cơ chế, chính sách được hoàn thiện, bổ sung tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, an toàn, hạ tầng giao thông, phát triển đô thị ổn định dân cư; lồng ghép yếu tố BĐKH.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2018-2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ.
Đặc biệt, các bộ, ngành và các địa phương đã có nhiều chuyển biến trong cải thiện môi trường đầu tư. Vùng ĐBSCL đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư và đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng. Tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL năm 2018 đạt 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, giải pháp xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, ngành hàng; triển khai nhiều chính sách tín dụng đối với ngành lúa gạo, khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao.
Đáng chú ý, cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Nhờ đó, trong năm 2018 sản lượng tôm đạt 0,623 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng cả nước; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%, sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực (gạo, cá tra, tôm, trái cây) đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhiều địa phương đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống; mô hình “Sinh kế thích ứng với BĐKH”, “Nước sạch và môi trường” của tỉnh Sóc Trăng; mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long…
Cấp bách ứng phó sạt lở, đầu tư công trình giao thông trọng điểm
Theo thống kê, vùng ĐBSCL hiện có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km, trong đó 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) tổng chiều dài 170 km (riêng bờ sông có 39 điểm với tổng chiều dài 85 km, bờ biển có 18 điểm với tổng chiều dài 85 km).
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, sụt lún và sạt lở tại ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Chính vì vậy, Bộ TN&MT đã tập trung vào công tác dự báo, tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát; xây dựng và tích hợp thông tin mạng lưới đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển đã được triển khai. Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp kỹ thuật, xử lý khẩn cấp những đoạn sụt lún, sạt lở trọng điểm; chỉ đạo cắm biển cảnh báo, xây dựng bản đồ sạt lở vùng ĐBSCL, bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách với tổng kinh phí là 2.500 tỷ đồng.
Đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm: Giai đoạn 2016-2020 tổng số vốn đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước.
Bên cạnh đó, các công trình, dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng sẽ tạo thế và lực cho ĐBSCL phát triển. Có thể kể đến các công trình giao thông kết nối liên vùng như: Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối 2 cầu, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, mở rộng tuyến tránh Tân An, Quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ-An Giang, tuyến vận tải thủy sông Sài Gòn (cầu Bình Lợi), cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tuyến tránh thành phố Long Xuyên, Quốc lộ 57 đoạn Bến Tre-Vĩnh Long, Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh-Long Toàn, Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh-Hồng Ngự...
Cầu Cao Lãnh
Nhìn thẳng vào những hạn chế
Bên cạnh những kết quả toàn diện, tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận, việc triển khai Nghị quyết 120 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ vẫn còn chậm, đặc biệt là các chính sách đẩy mạnh sự phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL, một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, chưa đồng bộ với nguồn lực thực hiện, dẫn đến hiệu quả chính sách không cao.
Công tác điều tra cơ bản chưa được thực hiện đầy đủ; dữ liệu còn phân tán, các cơ sở dữ liệu thành phần chưa được tích hợp vào hệ thống.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân vùng kinh tế theo ngành, lãnh thổ dựa vào các điều kiện tự nhiên còn chậm, vẫn còn xung đột phát triển giữa các loại hình kinh tế, dẫn đến hiệu quả kinh tế-xã hội chưa cao, thiếu tính bền vững.
Trên thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, thị trường còn thiếu đồng bộ, chưa kết nối Đông-Tây và với TPHCM để tận dụng được các ưu thế của từng địa phương và của cả vùng. Việc huy động và phát triển nguồn lực cho phát triển ĐBSCL dù đã có nhiều chuyển biến mạnh nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Nguyên nhân căn bản dẫn đến những hạn chế kể trên là do một số cơ quan, địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Cách tiếp cận dựa vào nội lực chưa được đề cao, chưa huy động được sự tham gia chủ động và rộng rãi của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, chưa thể định hướng để các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng như tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng.
Theo THU CÚC (Chính phủ)