Đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

30/09/2021 - 03:52

 - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN tại An Giang đã tạm ngừng hoạt động, số DN sản xuất “3 tại chỗ” chịu gánh nặng chi phí, hiệu quả không cao. Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất gửi các cấp có thẩm quyền.

Ảnh: Thanh Hùng

Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, DN vừa không có doanh thu, vừa phải chi những khoản thiết yếu để cầm cự, như: chi trả lương hay tài trợ một phần lương cho công nhân để giữ chân; chi điện nước, nộp bảo hiểm xã hội (BHXH)... Đối với mô hình “3 tại chỗ”, DN nhỏ không có điều kiện, hạ tầng để thực hiện. Một số ít DN lớn cố gắng tổ chức hoạt động “3 tại chỗ”, nhưng chi phí tăng cao do công nhân ăn nghỉ tại DN; chỉ một phần công nhân làm việc, sản lượng không đáp ứng được hợp đồng, mất nhiều đối tác; việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Hiện nay, một số chủ DN không an tâm, còn lo lắng khi hoạt động trở lại. Tất nhiên, DN phải thực hiện thông điệp “5K”, nghiêm chỉnh tuân theo quy định phòng, chống dịch. Nhưng nếu sơ xuất để xuất hiện F0 trong DN, có thể bị truy tố trách nhiệm. Trong khi đó, công nhân chưa được tiêm vaccine 2 mũi, khó đảm bảo an toàn sản xuất - kinh doanh. Công nhân làm việc bị giảm năng suất, do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác (do thiếu hụt lao động).

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn phức tạp, một số công nhân ở tỉnh khác đến làm việc tại An Giang đã trở về quê sinh sống, rất khó có điều kiện trở lại. Vì thế, thiếu hụt nguồn nhân lực khi DN hoạt động trong tình hình bình thường mới là khó tránh khỏi. Các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5-1% là quá ít đối với DN. Mấy tháng qua, DN đã “ăn mòn” vào vốn để duy trì, không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Nếu hoạt động trở lại thì tài chính là một trong những khó khăn rất lớn.

Các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do COVID-19, như: du lịch, lưu trú, hàng không, vận tải... DN không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phải chi trả khoản chi phí cố định (thuê địa điểm, trả lương để giữ chân người lao động, khấu hao máy móc, thiết bị...). Ở lĩnh vực vận tải, logistics, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa sụt giảm so với trước khi có dịch, trong khi các thủ tục để vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng lên, dẫn đến các chi phí phát sinh tăng theo.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, các DN hội viên thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang có những đề xuất cụ thể, như: đề nghị nhà nước có chiến lược, chỉ đạo “tái hoạt động của DN trong tình hình bình thường mới” nhất quán và đồng bộ toàn quốc, ngắn hạn và dài hạn, từ đó mỗi tỉnh triển khai đến DN trong tỉnh và liên kết các tỉnh bạn.

Tiêm vaccine là yếu tố có ý nghĩa quyết định chiến lược khôi phục sản xuất; phải gắn với chiến lược tiêm vaccine toàn dân, ưu tiên cho DN và nhất là người lao động. Tất cả chi phí kiểm tra y tế, như: test nhanh, xét nghiệm PCR... cần được nhà nước quyết định thêm vào danh mục khám bệnh để bảo hiểm y tế chi trả, hoặc do hệ thống ngành y tế tài trợ. Nguồn vốn của DN đã cạn kiệt (nhất là DN nhỏ và vừa), đề nghị có chính sách hỗ trợ vay vốn với thủ tục xin vay đơn giản, có thể tín chấp cho DN có phương án tái sản xuất khả thi, giãn nợ từ 3-6 tháng. Đề nghị ngành ngân hàng xem xét giảm lãi suất 2% và 3%/năm với thời gian 6 tháng để đồng hành khó khăn với DN; tăng hạn mức tín dụng cho DN để duy trì hoạt động. Giảm tiền nước, tiền điện từ 3-6 tháng khi DN bắt đầu hoạt động lại.

Các DN đề nghị miễn thu BHXH trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua (không nộp BHXH trong thời gian này), khi hoạt động lại DN bắt đầu nộp BHXH tiếp tục. Đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa, cụ thể: thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng.

Cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”, như: cơ sở chế biến thực phẩm từ ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tiếp tục có chính sách giãn, hoãn nộp khoản thuế, phí trong thời hạn nhất định để hỗ trợ cho DN, cũng như tiếp tục chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng.

K.N