Ảnh: TRUNG HIẾU
Doanh nghiệp gặp khó
Khoảng 3 tháng qua, An Giang cũng như vùng ĐBSCL thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau đó là Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng cao. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang Hồ Việt Hiệp cho biết, thực hiện nghiêm quy định giãn cách, phần lớn DN An Giang đều đóng cửa, chỉ có một số ít DN hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” nhưng hiệu quả không cao, phát sinh nhiều chi phí, công suất và sản lượng không đáp ứng được hợp đồng do chỉ có 15-30% công nhân làm việc. Kéo theo đó là nhiều lao động thất nghiệp, cuộc sống khó khăn. Những quy định chưa rõ ràng về “hàng thiết yếu”, test nhanh chỉ có giá trị trong 24 giờ, quy định di chuyển gây khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất cũng như đầu ra sản phẩm.
Theo nhiều DN, việc tỉnh có chủ trương cho DN hoạt động trở lại theo hướng “an toàn sản xuất” là tín hiệu mừng nhưng điều DN lo lắng là chưa có hướng dẫn cụ thể. “Mong muốn của DN là cần có chiến lược và chỉ đạo “tái hoạt động của DN trong tình hình bình thường mới” nhất quán và đồng bộ toàn quốc, ngắn hạn và dài hạn, từ đó mỗi tỉnh triển khai đến DN trong tỉnh và liên kết các tỉnh bạn” - ông Hồ Việt Hiệp đề nghị.
Trong chiến lược khôi phục sản xuất an toàn, xây dựng đội ngũ “NLĐ xanh” theo hướng được tiêm vaccine ngừa COVID-19 là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Do vậy, cần ưu tiên vaccine cho DN và NLĐ. Về lâu dài, nhà nước cần đưa chi phí kiểm tra y tế (test nhanh, xét nghiệm PCR) vào danh mục khám bệnh để bảo hiểm y tế chi trả; tiến tới để DN tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kiểm tra y tế.
Sau thời gian ngưng hoạt động kéo dài, những chi phí để DN duy trì (thuê địa điểm, trả một phần lương để giữ chân NLĐ, nộp bảo hiểm xã hội...) đã “ăn” vào vốn của DN. Do vậy, khi hoạt động lại, vấn đề tài chính vẫn là khó khăn nhất. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang Hồ Việt Hiệp cho rằng, nguồn vốn của DN đã cạn kiệt, nhất là DN nhỏ và vừa. Đa phần tài sản của DN đã thế chấp ngân hàng nên cần có chính sách hỗ trợ vay vốn với thủ tục đơn giản, có thể cho DN vay tín chấp ngay trên phương án tái sản xuất khả thi; cho giãn nợ từ 3-6 tháng, giảm lãi suất từ 2-3%/năm trong thời gian 6 tháng, nghiên cứu tăng hạn mức tín dụng để DN có vốn phục hồi SXKD.
Trong giai đoạn phục hồi SXKD, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu là yêu cầu rất quan trọng. Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang đề xuất, trong nội bộ tỉnh, giữa các huyện, thị xã, thành phố cùng thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc mức thấp hơn thì không đặt yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trường hợp chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm mũi 1, cần có xét nghiệm âm tính nhưng nên nâng giá trị test nhanh lên 72 giờ (bằng với xét nghiệm PCR). Đồng thời, từng huyện không đặt ra yêu cầu phải test tại chốt mà công nhận giá trị test của cơ sở y tế ở địa phương khác, tránh phát sinh thêm nhiều chi phí và mất thời gian.
Hướng mở cho doanh nghiệp
Trong kế hoạch đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19 vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký ban hành (Kế hoạch 572/KH-UBND, ngày 27-9-2021), một trong những hướng mở được DN quan tâm là tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh”, gồm: NLĐ xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh. Theo đó, “NLĐ xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh”, “nơi ở xanh” theo một “cung đường xanh” (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp. “Phương án này hợp lý hơn “3 tại chỗ” bởi vừa giảm gánh nặng cho DN, vừa tạo tâm lý thoải mái cho NLĐ, thuận tiện chia ca, kíp sản xuất với quy mô tăng dần” - một chủ DN trong ngành thủy sản đánh giá.
Về quy định đối với “4 xanh”, UBND tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể. “NLĐ xanh” luôn tuân thủ “5K” và đáp ứng một trong các điều kiện như: được tiêm vaccine ngừa COVID-19; F0 đã hoàn thành điều trị; NLĐ đang cư trú tại các địa bàn thuộc “vùng xanh” của địa phương; NLĐ được xét nghiệm đầu vào theo quy định của ngành y tế và có kết quả SARS-CoV-2 âm tính trước khi vào làm việc. Về “cung đường xanh”, đối với NLĐ di chuyển bằng xe cá nhân, phải có bản cam kết với chủ DN đảm bảo tuân thủ theo lộ trình đã đăng ký (từ nơi ở xanh đã đăng ký đến nơi làm việc) và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cá nhân. Đối với NLĐ di chuyển bằng phương tiện đưa đón của DN, phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch; đảm bảo điều kiện lưu thông và lộ trình đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; tài xế được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đầu vào và xét nghiệm định kỳ như NLĐ.
Đối với “vùng sản xuất xanh”, DN được đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐ, ngày 27-5-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, được xếp loại nhóm rất ít nguy cơ, đồng thời thực hiện các nội dung, như: khách hàng, đối tác đến giao dịch trực tiếp với DN phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn trong thời hạn; định kỳ 7 ngày/lần tổ chức xét nghiệm sàng lọc khoảng 20% trên tổng số NLĐ và gửi kết quả về cho cơ quan quản lý có thẩm quyền; khuyến khích DN bố trí vị trí sản xuất riêng dành cho NLĐ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc người nhiễm COVID-19 đã hoàn thành điều trị để thuận lợi trong công tác kiểm soát phòng, chống dịch. DN bố trí khu vực ăn uống, nghỉ ngơi riêng đối với NLĐ ở “vùng sản xuất xanh”, “vùng sản xuất vàng”; tổ chức ăn theo ca, kíp ở một khu vực cố định; Tổ COVID-19 của DN tăng cường kiểm tra, giám sát NLĐ đảm bảo nguyên tắc “5K”.
Về “nơi ở xanh”, được hiểu là NLĐ cư trú tại các địa bàn thuộc “vùng xanh” của địa phương theo công bố của cơ quan có thẩm quyền. Khuyến khích DN tổ chức bố trí cho NLĐ cùng vùng (“vùng xanh”, “vùng vàng”) lưu trú tập trung tại cùng một địa điểm “xanh” (căn cứ vào Bản đồ vùng xanh theo công bố của cơ quan có thẩm quyền). Hàng ngày, DN phải thực hiện rà soát, cập nhật danh sách các địa bàn thuộc “vùng xanh” của địa phương theo công bố của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo NLĐ đang cư trú tại “vùng xanh” của địa phương; trường hợp có thay đổi “vùng xanh”, DN phải chuyển qua thực hiện phương án dự phòng.
Mong muốn của DN là cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về sản xuất thích ứng an toàn. Đồng thời, cho phép mở cửa dần đối với các DN, cơ sở SXKD, cơ sở dịch vụ… nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đời sống người dân cũng như cung ứng đầu vào, tiêu thụ đầu ra của các DN. |
NGÔ CHUẨN