Đi “săn” cua núi Cấm

29/06/2023 - 06:24

 - Mùa mưa đến cũng là lúc núi Cấm “trở mình” với các loại đặc sản lên ngôi. Trong đó, cua núi được biết đến như một thứ “lộc của trời”, đã chinh phục thực khách nhiều nơi. Chưa cần nói đến công đoạn thưởng thức, quá trình đi “săn” cua núi có rất nhiều thú vị.

Đi câu cua núi

Trở lại núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) trong ngày se lạnh. Khí hậu chốn non cao luôn cho người ta cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Gặp lại anh bạn “thổ địa” của Thiên Cấm Sơn, tôi đề xuất ý tưởng về một chuyến đi “săn” cua núi. Như chiếc lò xo nén sẵn, bạn bật dậy tức thì chở tôi đi tìm loài vật trở thành đặc sản của ngọn núi quê hương.

Lần này, anh bạn Lê Gia Giang chở tôi vòng vèo qua những ngả đường mòn trên núi Cấm. Đến với ngọn núi cao nhất miền Tây này, mọi thứ dường như là thử thách với khách phương xa. Việc ngồi xe gắn máy lên đèo, thả dốc, đánh mấy khúc “cua cù chỏ” qua mép vực là trải nghiệm không nhiều người muốn thử. Nhưng vì muốn “săn” cua nên tôi trải nghiệm hết.

“Muốn câu cua, mình phải có đồ nghề là cần câu. Hầu như thanh niên ở núi Cấm đều biết câu cua và có đồ nghề. Nhưng để có một cần câu chuẩn, phải đến tìm những người “chuyên” đi câu cua. Họ có những cần câu được tuyển chọn từ nhánh tre già, độ cong vừa phải và rất dẻo. Đầu cần câu không có lưỡi câu, mà buộc một chùm thun được thắt thành khối ngoằn ngoèo. Cái hay của người làm cần câu là thắt dây thun sao cho giống con mồi, để cua kẹp lấy mà không chịu buông” - anh Giang bật mí.

Cua núi kẹp vào đầu cần câu vì nhầm tưởng đó là con mồi

Nói đoạn, chúng tôi ghé nhà người quen mượn cần câu. Sau một hồi tiếp tục lên dốc, đổ đèo, xe dừng lại trước một vườn dâu. Chúng tôi xin phép chủ vườn để vào câu cua. Cẩn thận quan sát, Lê Gia Giang bất ngờ dừng lại trước một hốc đá nhỏ. Anh Giang nói khẽ: “Có cua nè!”. Chiếc đầu cần câu có quấn chùm thun được đưa vào nhấp nhấp mấy cái trước miệng hốc đá. Lập tức, một đôi càng màu tím quặp lấy. Anh Giang kéo nhẹ chiếc cần câu. Dây thun căng lên bởi lực kéo của con cua trong hốc. Sau mấy lần giằng co, anh Giang giật mạnh cần câu một cái, con cua văng ra ngoài.

Dù bị kéo ra khỏi hang, con cua vẫn giương đôi càng lên nghênh chiến, đủ biết bản tính của loài vật này không phải dạng hiền. Anh Giang cho biết, khi bắt cua núi bằng tay phải rất cẩn thận vì loài này nhanh, hung dữ hơn cua đồng. Lớp vỏ của chúng cứng, đồng nghĩa với việc khi kẹp cũng sẽ đau hơn cua đồng. Vừa nói anh Giang vừa tóm gọn con cua cầm trong tay, rồi tiếp tục đi tìm hốc đá khác.

Chúng tôi loanh quanh vườn dâu cũng khá lâu và phát hiện được vài con cua núi. Anh Giang giải thích, dân trên núi đi câu cua chủ yếu vào ban đêm, khi loài này đi kiếm ăn theo tập tính. Vào ban ngày, cua ở yên trong hốc đá, hiếm khi chịu ăn mồi. Với bạn hữu thân quen, dân trên núi có thể bỏ thời gian một buổi đi câu tầm 15 - 20 con làm món đãi khách.

“Câu trên cạn thấy ít, người ta sẽ xuống đường ô nước, mấy nhánh suối nhỏ tìm bắt cua. Lúc này, bắt cua chứ không còn câu nữa, vì chúng trốn dưới mấy hòn đá nhỏ. Người ta đi giở từng hòn đá lên, thấy cua là chụp ngay. Tuy nhiên, việc bắt cua bằng tay đôi khi cũng trả giá bằng vài dấu càng in lên da. Vì loại này đang có giá cao, nên anh em ráng lặn lội đi tìm, chứ không dễ dàng để có được 1kg cua” - anh Giang cho hay.

Trong trí nhớ của người bạn lớn lên trên ngọn núi mù mây này, mùa cua núi cách đây chục năm hiện ra như mới hôm qua. Mùa khô, cua núi ẩn mình trong hốc đá, hiếm khi ra ngoài. Mưa đầu mùa buông xuống, chúng lổm ngổm bò ra để tận hưởng sự tươi mát của đất trời và đi kiếm ăn. Lúc đó, cua núi chỉ là món ăn chơi của người dân trên núi Cấm.

Đôi khi, cua bò vào tận nhà nhưng người ta chẳng cần ngó tới. Khi dân trên núi giao kết bằng hữu dưới xuôi nhiều, họ đãi bạn bằng cua núi. Khách ăn thấy ngon rồi truyền miệng nhau. Đến bây giờ, cua núi trở thành đặc sản được du khách tìm kiếm với mức giá 300.000 đồng/kg, nhưng cung không đủ cầu.

“Hiện tại, tôi biết cả núi Cấm chỉ có chừng vài người chuyên đi câu cua để cung cấp cho thực khách. Muốn ăn cua, khách phải dặn trước 2 - 3 ngày mới tìm đủ số lượng yêu cầu. Đa phần thực khách thích rang me, rang muối bởi thịt cua núi có mùi thơm ngọt tự nhiên, nên kết hợp với vị chua của me cùng gia vị sẽ rất ngon. Ngoài ra, việc luộc sả ăn ngay cũng ngon, vì thịt cua sẽ giữ được hương vị đặc trưng” - anh Giang thật tình.

Phấn khởi với chiến lợi phẩm

Mùa mưa xuống, cua lớn nhanh. Con lớn cũng cỡ 3 ngón tay, trên thân có màu tím hơi đỏ đặc trưng. Nếu là cua già, sẽ có vài đốm lông trên mai trông lạ mắt. Để bảo tồn nguồn cua núi, người dân hay nói với nhau sẽ không bắt cua nhỏ và cua đang mang trứng. Họ hiểu rằng “lộc trời” là hữu hạn, nếu không giữ gìn thì sẽ chẳng còn cua để giúp họ tăng thu nhập những lúc nhàn việc.

Dù mỗi năm chỉ xuất hiện rộ một mùa nhưng cua núi đã chinh phục du khách gần xa với vị thơm ngon đặc trưng. Nếu có cách khai thác hợp lý, loài vật này sẽ là món chủ lực xuất hiện trong thực đơn của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm những thứ độc đáo chỉ có ở Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.

THANH TIẾN