Dịch COVID-19: Nhiều tỉnh hối thúc Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp

02/01/2021 - 21:08

Ngày 2/1, chính quyền thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba và Kanagawa đã hối thúc Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi số ca nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng chóng mặt trong tuần qua.

Quang cảnh sân bay Narita ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp với các tỉnh trưởng, Bộ trưởng Kinh tế Nishimura Yasutoshi cho biết chính phủ sẽ cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trước khi quyết định có ban bố tình trạng khẩn cấp hay không.

Cho đến nay, Thủ tướng Suga Yoshihide vẫn phản đối tái áp đặt tình trạng khẩn cấp, mà chính phủ từng áp đặt hồi tháng 4 trong làn sóng dịch đầu tiên. Hiện chính quyền vẫn chỉ áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa đối với các hoạt động kinh doanh chứ không ban bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như một số nước châu Âu và Mỹ.

Kể từ ngày 17/12/2020, chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định nâng cảnh báo về tình trạng căng thẳng đối với hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang gồm 4 cấp độ. Đây là lần đầu tiên thành phố nâng cảnh báo lên cấp độ 4 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Với quyết định này, chính quyền thủ đô yêu cầu các nhà hàng và quán bar trên địa bàn thành phố phải rút ngắn thời gian hoạt động, theo đó đóng cửa trước 22h hàng ngày.

Ngày 30/12, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã kêu gọi người dân thành phố ở nhà càng nhiều càng tốt trong kỳ nghỉ Năm Mới để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Bà Koike cho rằng những gì người dân Tokyo làm trong kỳ nghỉ này sẽ quyết định tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở mức cao kỷ lục, với 4.520 ca ngày 31/12/2020, trong đó riêng Tokyo là 1.337 ca.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan thông báo nước này sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 miễn phí trên toàn quốc chứ không chỉ ở riêng thủ đô New Delhi.

Bộ trưởng Vardhan đã tới một bệnh viện ở Delhi để theo dõi quá trình thử nghiệm vaccine trên toàn quốc bắt đầu từ sáng 2/1. Ông kêu gọi người dân không nghe theo các tin đồn liên quan đến hiệu quả và sự an toàn của vaccine ngừa COVID-19.

Chính phủ Ấn Độ mong muốn bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 1 này và dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người trong vòng 6-8 tháng tới.

Theo PHƯƠNG HOA (TTXVN)