Điểm sáng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

11/04/2021 - 08:04

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), có thể tự hào về những thành công khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước cho đến ngoại giao nghị viện. Hoạt động của Quốc hội đã tạo nền tảng đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục vững bước phát triển, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam.

Lập pháp là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội Việt Nam, bên cạnh chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiệm kỳ khóa XIV, công tác lập pháp đã được đẩy mạnh, tập trung nâng cao chất lượng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Hoàn thiện đồng bộ thể chế được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Là nhiệm vụ xương sống trong hoạt động của mình, có thể khẳng định, nhiệm kỳ Quốc hội XIV đã tiếp tục làm tốt công việc này. Con số ấn tượng 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Các luật được ban hành không chỉ đáp ứng đòi hỏi từ thực tế, phục vụ đắc lực, tạo nền tảng cơ bản để vận hành xã hội phát triển, mà còn phù hợp và mở ra những cơ hội để Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch điều hành Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, công tác lập pháp đã phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XII của Đảng quyết định. Theo đó, phục vụ cho đột phá chiến lược thứ nhất về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội khóa XIV đã ban hành các Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Quản lý nợ công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... 

Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành các Luật An ninh mạng, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức... nhằm phục vụ cho đột phá chiến lược thứ hai về phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ.

Phục vụ đột phá chiến lược thứ ba về huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Quốc hội đã ban hành các Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đường sắt, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Đo đạc bản đồ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều...

Phục vụ nhiệm vụ chiến lược bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Quốc hội đã ban hành các Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh vệ, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật An ninh mạng, Luật Biên phòng Việt Nam... Phục vụ cho nhiệm vụ tăng cường hoạt động đối ngoại, Quốc hội đã ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài...

Quang cảnh Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

“Có thể nói, tiếp nối các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV đã góp phần đắc lực hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng, thực hiện pháp luật; phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế...”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh chỉ rõ.

Thực hiện chức năng của mình, nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Qua giám sát đã tạo chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực có chuyển biến mạnh mẽ, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, đồng thời là quyền quan trọng của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp quy định. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, các nội dung chất vấn tập trung vào nhiều vấn đề “nóng”, nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, bao quát hầu hết lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng - an ninh, đối ngoại...

Hoạt động chất vấn đã giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong thực thi pháp luật; từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri.

Các Bộ trưởng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Bên cạnh đó, công tác giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, lựa chọn nhiều vấn đề đúng và trúng. Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An), 7 chuyên đề mà Quốc hội giám sát tối cao đều là những vấn đề nóng trong thực tiễn. Trong đó, có những vấn đề đã được cử tri hết sức quan tâm như an toàn thực phẩm, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống xâm hại trẻ em... Những đổi mới trong công tác giám sát là những điểm sáng cần được phát huy và hoàn thiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới.

Trong lĩnh vực tư pháp, hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch. Nếu như trước đây, nhiều nội dung được công bố ở phạm vi hẹp như báo cáo công tác của một số cơ quan tư pháp… thì nay được công khai hơn tới các đại biểu Quốc hội. Những thông tin, số liệu thuộc diện không công bố theo quy định của pháp luật đã được rà soát để đưa vào phụ lục. Thậm chí, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội còn bố trí một phiên thảo luận về tư pháp có phát thanh, truyền hình trực tiếp tới các cử tri.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV

Đánh giá về sự thay đổi này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, điều này đã tạo điều kiện để các cử tri có được những thông tin đầy đủ; từ đó, đánh giá khách quan về hoạt động tư pháp. Công khai, minh bạch đã đặt ra yêu cầu để các đại biểu Quốc hội hoạt động chất lượng hơn, trách nhiệm hơn; đặc biệt tạo ra áp lực để các cơ quan tư pháp luôn phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Trải qua 11 kỳ họp, Quốc hội khóa XIV đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Những quyết sách này đều được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Qua đó, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chiều 12-11-2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 7/11 tham gia phê chuẩn Hiệp định này.

Trong giai đoạn 5 năm, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án, công trình quan trọng quốc gia. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 4, ngày 22-11-2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. 

Cùng với dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội, sự ủng hộ của cử tri với mong muốn xây dựng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, vì diện tích đất cần thu hồi là quá lớn (khoảng 5.000 ha) và số tiền để đền bù giải phóng mặt bằng lên đến hơn 23.000 tỷ đồng nên Quốc hội đã cho phép tách ra thành một dự án thành phần để không ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách như: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm...

Chiều 26-11-2019, Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết cấp thiết, trong đó có Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 -2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách. Ở các cấp quốc gia, bộ, ngành trung ương và địa phương, đây được coi là cải cách lớn nhất. Quy định này nhằm khắc phục tồn tại của việc tách biệt trong quản lý chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, vốn có xu hướng đầu tư công quá mức và dàn trải, thực hiện đầu tư công không gắn kết với khả năng ngân sách; từng bước khắc phục tình trạng chuẩn bị đầu tư sơ sài, kém chất lượng.

Một quyết sách quan trọng trong nhiệm kỳ qua là Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Chiều 18-11-2019, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8), việc ban hành Nghị quyết số 120 đã khẳng định quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện.

Nhiệm kỳ khóa XIV, việc chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội đánh giá rất cao. Đây là điểm nhấn rõ nét, là một trong những nhân tố tạo nên một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội khóa XIV.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Dấu mốc của sự đổi mới bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5 với nhiều cải tiến, đổi mới, nhằm tăng tính đối thoại trong hoạt động nghị trường, ghi dấu sự chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Tại kỳ họp này, phương thức “hỏi nhanh  - đáp gọn” lần đầu tiên được áp dụng và phát huy hiệu quả. Mỗi đại biểu có một phút để nêu câu hỏi chất vấn, sau ba câu hỏi chất vấn, người được chất vấn phải trả lời ngay, thời gian mỗi lần trả lời là ba phút. Qua ba ngày diễn ra chất vấn đã khẳng định hiệu quả của việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, giúp tăng số đại biểu hỏi với trên 200 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn và tranh luận, đồng thời tránh sự trùng lặp về nội dung. Việc đổi mới phương thức tổ chức cũng đặt ra đòi hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vấn đề chắc chắn để trả lời ngắn gọn, cô đọng, đi trực tiếp vào nội dung câu hỏi.

Các đại biểu tham gia chất vấn thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nhận xét về hình thức đổi mới của kỳ họp, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, phần chất vấn và trả lời chất vấn đã giúp nhiều đại biểu được nêu câu hỏi, nhiều câu hỏi được trả lời. Điều này khiến không khí của phiên chất vấn trở nên sôi động, thể hiện rõ nét tính dân chủ trong hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Ghi nhận và đánh giá cao sự đổi mới mang tính đột phá này, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đánh giá, Kỳ họp thứ 5 đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và đại biểu Quốc hội. Nguyên tắc và phương châm hỏi nhanh đáp gọn rất khoa học đem lại hiệu quả cao cho phiên chất vấn. Qua phiên chất vấn, cử tri có thể giám sát được hoạt động của các đại biểu Quốc hội ngay tại nghị trường, giám sát được việc thực thi trách nhiệm của các bộ trưởng cũng như lãnh đạo Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhìn nhận việc hỏi nhanh, đáp gọn và tranh luận sôi nổi tại nghị trường vừa mang tính khoa học, vừa thể hiện sự quan tâm, chuẩn bị kỹ càng của các đại biểu về vấn đề được dư luận quan tâm. Có thể trả lời nhanh được những câu hỏi được chất vấn cũng cho thấy kỹ năng, bản lĩnh, năng lực của bộ trưởng, trưởng ngành về lĩnh vực mà mình đang quản lý.

Việc đổi mới này trong hoạt động nghị trường đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn, sự kỳ vọng của người dân. Để nâng cao hoạt động chất vấn trước Quốc hội, đòi hỏi chính những đại biểu dân cử cũng như những người trả lời chất vấn phải trau dồi, nâng cao trách nhiệm trước cử tri. Đối với người chất vấn vừa phải tìm hiểu để nắm được những vấn đề cử tri mong đợi, đồng thời tìm hiểu thấu đáo vấn đề để chất vấn trước nghị trường. Đối với người được chất vấn, phải rèn kỹ năng trả lời ngắn gọn nhưng đúng nội dung, tức là phải nắm vững vấn đề được hỏi, có kỹ năng truyền tải thông điệp qua nội dung trả lời.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Nối tiếp sự thành công và hiệu quả trong đổi mới phương thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn từ Kỳ họp thứ 5, các kỳ họp tiếp sau của Quốc hội khóa XIV đều phát huy được những mặt mạnh của hình thức “hỏi nhanh - đáp gọn”- một dấu mốc để chuyển Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận, tạo nên một “thương hiệu” của nhiệm kỳ XIV.

Trong phiên họp báo đầu Kỳ họp thứ 11, nói về những điểm đổi mới nổi bật của cả nhiệm kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng thể hiện sự tâm đắc đối với những đổi mới trong hoạt động chất vấn tại nghị trường. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc đổi mới này không chỉ tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được tham gia chất vấn, mà còn giúp các đại biểu có thể tranh luận với các thành viên Chính phủ, đồng thời tranh luận với chính các đại biểu để đi đến cùng vấn đề. Chính điều này tạo nên không khí chất vấn, tranh luận rất sôi nổi tại các kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt, ở giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, Quốc hội cũng đã tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về giám sát và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Những vấn đề đã được chất vấn, giám sát đi đến cùng, nhận được sự hoan nghênh từ cử tri và nhân dân.

Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thí điểm thực hiện tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa. Với hỗ trợ của công nghệ đã giúp cho sự điều hành của chủ tọa phiên họp được chính xác hơn. Trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chính thức việc này. Sự đổi mới này là cách để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong việc xây dựng Quốc hội điện tử.

Kỳ họp thứ 9 mang dấu ấn đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày

Năm 2020, sự xuất hiện không báo trước của đại dịch COVID-19 tưởng chừng làm ngưng trệ mọi hoạt động, nhưng dấu ấn của Quốc hội khóa XIV đổi mới, vì dân tiếp tục được thể hiện đậm nét. Trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiều lần yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước, ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng không có nghĩa để mọi việc đình trệ. Công việc vẫn phải thực hiện trôi chảy theo kế hoạch, phải thay đổi phương thức làm việc. Việc quyết định họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến chính là đổi mới mang tính đột phá, hiện thực hóa yêu cầu của người đứng đầu Quốc hội và cũng là biện pháp hợp lý, hữu hiệu nhất để mọi hoạt động của nghị trường diễn ra bình thường trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp để phòng, chống đại dịch.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 9 mang dấu ấn đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày. Hình thức này được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá là phù hợp khi cả nước đang trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời thể hiện sự chủ động, linh hoạt, đặt nền móng đổi mới hoạt động của Quốc hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nối tiếp hiệu quả mang lại từ sự đổi mới này, đồng thời trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.  

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức trực tuyến

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi đó đánh giá hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. 

Sau thành công của Kỳ họp thứ 9, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong một kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.

Quốc hội khóa XIV khép lại với những dư âm tốt đẹp về kết quả đã làm được, tạo những đột phá, nền tảng để đất nước ngày càng phát triển. Dấu ấn sắc nét để lại không chỉ đối với những đại biểu trong 5 năm thực hiện nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, mà cả trong lòng đồng bào, cử tri cả nước, đó chính là sự gắn bó mật thiết với nhân dân và vì dân của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Sáng 14-10-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ trước Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV.

Điều này thể hiện rõ nét qua hoạt động tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Qua các cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã được đại biểu chuyển tải tới các cơ quan liên quan, là cơ sở quan trọng để kịp thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn. Sự đổi mới này góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa Quốc hội với người dân.

Quan hệ mật thiết với cử tri, nhân dân, truyền tải ý kiến của người dân tới cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời, được Quốc hội xem là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là mục tiêu, mục đích cao nhất cần hướng tới. Quốc hội luôn quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc; tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri.

Nhiệm kỳ qua, Quốc hội luôn coi trọng, nghiên cứu, đổi mới các hoạt động, hình thức, cách thức, biện pháp để mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu ngày càng được khăng khít hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được tiến hành thường xuyên, dưới nhiều hình thức (định kỳ, chuyên đề…) và linh hoạt trong những lúc tình hình khó khăn do dịch bệnh, thiên tai (trực tuyến). Địa điểm tiếp xúc cử tri được tổ chức ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó chú trọng tới vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu thực tiễn. Các cuộc tiếp xúc cử tri có sự đổi mới về cách thức thực hiện, thu hút được sự tham dự đông đảo của cử tri cũng như thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị từ cơ sở.

Sáng 13-10-2020, tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri là các cán bộ hưu trí Câu lạc bộ Bạch Đằng trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nghiên cứu để đổi mới, đáp ứng nguyện vọng nhân dân, thời gian gần đây, công tác tiếp xúc cử tri đã rút gọn thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian hơn để cử tri có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, cũng như những kiến nghị của mình với các vị đại biểu dân cử. Thay vì chỉ ghi nhận, tiếp thu như trước kia, các cuộc tiếp xúc cử tri đã có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các sở, ngành để giải trình, làm rõ các vấn đề cử tri kiến nghị. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, đã có sự phối hợp giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân, giúp cho việc gắn kết giữa cử tri và người đại biểu dân cử ngày càng mật thiết hơn. 

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, cử tri và nhân dân đánh giá cao Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại các phiên họp được cử tri và nhân dân đánh giá cao… Cử tri Nguyễn Văn Vẹn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương (trú tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương), đánh giá công tác điều hành của Quốc hội và Chính phủ đã được nhân dân và cử tri cả nước tin tưởng, đồng thuận. Ông mong muốn hoạt động của Quốc hội sẽ được đổi mới hơn nữa, nhất là đi sát vào từng vấn đề của đời sống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại. 

Quốc hội khóa XIV thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành sứ mệnh với những điểm sáng được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận. Tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã bầu đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV; Quốc hội bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, giữ cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội bầu đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Như vậy, các vị trí nhân sự lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ nhiệm kỳ này đã được kiện toàn. Cử tri và nhân dân cả nước vui mừng, phấn khởi và đặt trọn niềm tin vào ban lãnh đạo mới, kỳ vọng Quốc hội sẽ tiếp tục tạo những dấu ấn trong nhiệm tiếp theo.

Bài: Quỳnh Hoa - Phan Phương
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

Theo TTXVN