Điều gì xảy ra với đường ruột khi bạn ngừng ăn thịt?

25/12/2023 - 08:56

Bạn có thể ngăn ngừa viêm đường ruột, đầy hơi, bệnh tiểu đường nếu ngừng hẳn ăn thịt nhưng có một yếu tố bạn cần cân nhắc.

Hầu hết những người đam mê tập gym đều ăn thịt - được coi là nguồn protein tốt - để phát triển cơ bắp. Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Dani Levy-Wolins giải thích: “Thịt cung cấp các vi chất dinh dưỡng thiết yếu đem lại năng lượng cho cơ thể như vitamin B, sắt và kẽm và nguồn cung cấp protein quan trọng”. 

Tuy nhiên, với sự phổ biến của chế độ ăn chay, mọi người cũng bắt đầu tìm kiếm các nguồn protein thay thế như các loại đậu. 

Thịt thường được coi là thực phẩm quan trọng trong bữa ăn. Ảnh minh họa: Delish

Tác dụng của ngừng, giảm ăn thịt

Giảm nguy cơ viêm ruột: Rất nhiều nghiên cứu ủng hộ giả thuyết sức khỏe đường ruột sẽ được cải thiện khi bạn ngừng hoặc giảm ăn thịt. Đầu tiên, bạn có thể giảm vi khuẩn gây viêm đường ruột. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học Dịch thuật đã tìm thấy mối liên hệ giữa tăng tiêu thụ protein động vật và bệnh viêm ruột. Đó là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, biểu hiện dưới dạng viêm mạn tính ruột. 

Ngăn ngừa hội chứng rò rỉ ruột, táo bón và đầy hơi: Theo Cleveland Clinic, hội chứng rò rỉ ruột xảy ra khi niêm mạc ruột bị suy yếu khiến chất độc dễ xâm nhập vào máu, làm phát sinh các bệnh khác.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Gut, chế độ ăn nhiều thịt có thể góp phần dẫn đến chứng rò rỉ ruột, gây ra bệnh tiểu đường. Tiến sĩ Hariom Yadav, Đại học South Florida (Mỹ), chia sẻ: "Hệ vi sinh vật giúp dọn rác trong cơ thể và các sản phẩm dư thừa trong chế độ ăn uống của chúng ta, chẳng hạn như thịt. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng làm tăng lượng rác, ảnh hưởng hệ vi sinh vật. Điều này tạo ra tình trạng rò rỉ ruột và viêm nhiễm, cuối cùng gây ra bệnh tiểu đường”. 

Thịt đỏ (bò, bê, lợn, cừu) bị coi gây ra vấn đề đối với đường ruột của bạn. Khi so sánh với thịt gà không da, cá và protein thực vật thì thịt đỏ - chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể tổn hại cho sức khỏe tim mạch. 

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì sức khỏe đường ruột có liên quan đến một số yếu tố như khả năng miễn dịch, bệnh tự miễn, sức khỏe tâm thần, ung thư, giấc ngủ và các vấn đề về tim. Tiến sĩ Maria Pena, Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, đánh giá đặc tính gây viêm của thịt đỏ và thịt chế biến sẵn cũng dễ dẫn đến táo bón và đầy hơi.

Bạn không nhất thiết phải bỏ ăn thịt mà chỉ cần chuyển sang ăn nhiều thịt trắng hơn, bổ sung thêm thực vật có protein. Ảnh minh họa: Healthyforlife

Bạn có nên ngừng ăn thịt hoàn toàn?

Đó là câu hỏi mà chỉ bạn mới có thể trả lời. Quyết định tùy thuộc vào mục tiêu sức khỏe, niềm tin và cảm nhận của bạn. 

Trong khi đó, chuyên gia Dani Levy-Wolins cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn thịt khỏi chế độ ăn uống cũng có nhược điểm, đặc biệt nếu không có thực phẩm thay thế cung cấp một số chất dinh dưỡng có trong protein động vật. Vị chuyên gia giải thích: "Bạn có thể rơi vào nguy cơ thiếu sắt hoặc B12, thiếu máu và teo cơ".

Do đó, điều quan trọng là phải chú ý đến lượng thịt bạn tiêu thụ, không nên ăn nhiều. Chuyên gia dinh dưỡng Dana Ellis Hunnes nhận định ruột (và trái tim) sẽ biết ơn nếu bạn cho vào đĩa những thực phẩm nguyên chất nguồn gốc thực vật. Nữ chuyên gia giải thích: “Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại hạt, rau, đậu đều được biết đến với công dụng cải thiện sức khỏe đường ruột vì có khả năng chống viêm và nuôi dưỡng vi khuẩn tốt cho đường ruột”.

Theo Vietnamnet