Điều trị hậu COVID-19

24/05/2022 - 18:49

 - Tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi mắc COVID-19. Các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Chúng khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Bệnh nhân đến khám, điều trị, tư vấn sức khỏe hậu COVID-19

Hội chứng COVID-19 kéo dài gây tổn thương, biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: Hô hấp, tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nội tiết, thận, da, lông... Phổ biến là tình trạng mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở (nhất là khi vận động gắng sức), rụng tóc, mất mùi vị, giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn. Hay các rối loạn tâm lý, như: Lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ. Người bệnh còn có thể xuất hiện bất thường cận lâm sàng, như: Tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormone giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp (giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi); bất thường hình ảnh học (xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim...). Có đến 203 triệu chứng hậu COVID-19 khác nhau, xuất hiện sau khi bệnh nhân nhiễm COVID-19 hồi phục, hoặc dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian.

Ghi nhận nhiều bệnh nhân gặp tình trạng trên, Sở Y tế chỉ đạo cơ sở y tế thành lập phòng điều trị hậu COVID-19. Có mặt tại Phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, chúng tôi ghi nhận thực tế: Hậu COVID-19 xảy ra ở bệnh nhân nặng và lớn tuổi, thậm chí ở người 30-40 tuổi, mắc COVID-19 nhẹ. BS Đặng Trần Vân Anh (Khoa Hô hấp)cho biết: “Bình quân, phòng khám tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân/ngày, với các triệu chứng: Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi, ho đàm, suy giảm trí nhớ, suy giảm tập trung, mất mùi vị, đau lói ngực, đau cơ, đau khớp, chán ăn, mệt mỏi, khó ngủ, tim đập nhanh… Tùy tình trạng, bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp, siêu âm tim, xét nghiệm máu... Ngoài cấp thuốc điều trị, chúng tôi chú trọng tư vấn cho bệnh nhân tăng đề kháng, đảm bảo dinh dưỡng, tập thể dục, hướng dẫn phục hồi chức năng...”.

Hầu hết bệnh nhân đến đây với tâm trạng lo lắng. “Tôi thường xuyên bị hụt hơi, mệt, không muốn làm việc. Sau khi nhận được kết quả chụp X-quang, siêu âm... cho thấy tim, phổi hoạt động bình thường, tôi trút được gánh nặng” - anh T. (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ. “Trước đây, tôi rất khỏe mạnh, mấy năm không dùng tới thuốc. Nhưng sau 2 lần bị nhiễm COVID-19, sức khỏe tôi suy giảm rõ rệt, sụt 5kg, suy thận, suy tim, không thể làm việc nặng nhọc được nữa” - anh M. (TP. Long Xuyên) bày tỏ.   

BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang) cho biết: “Phòng khám hậu COVID-19 được thành lập với mong muốn tiếp tục đồng hành cùng người bệnh trong tiến trình hồi phục sau khi nhiễm COVID-19. Bệnh nhân được khám, tầm soát và điều trị toàn diện di chứng của bệnh. Đồng thời, đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân, nhất là người từng bị mắc COVID-19 mức độ nặng hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh”.

Ngoài tình trạng hậu COVID-19 trên, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) không thể xem thường. MIS-C là tình trạng viêm nhiều cơ quan, như: Tim, thận, hô hấp, huyết học, tiêu hóa, da liễu hoặc thần kinh… sau nhiễm COVID-19 khoảng 4 tuần, ở bất kể biến thể nào của virus SARS-CoV-2, thường gặp ở người dưới 21 tuổi. Bệnh viện Sản - Nhi An Giang ghi nhận và điều trị một số trường hợp mắc MIS-C, không có trường hợp tử vong.

BS.CKII Ngô Hữu Trí (Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế) khuyến cáo: “MIS-C tuy hiếm gặp, nhưng là bệnh cảnh nặng, cần nhập viện điều trị kịp thời khi có trên 1 dấu hiệu: Sốt cao liên tục trên 5 ngày; rối loạn tiêu hóa nặng (đau bụng nhiều, tiêu chảy); ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; sốc; xét nghiệm thấy CRP hoặc Procalcitonin tăng cao; rối loạn đông máu (PT, APTT, D-dimer cao). Trẻ nghi mắc MIS-C cần được theo dõi, chẩn đoán và điều trị tại chuyên khoa theo phác đồ của Bộ Y tế”.

Theo TS.BS Trần Quang Hiền (Giám đốc Sở Y tế), khi có biểu hiện, triệu chứng hậu COVID-19, người dân đừng quá lo lắng, nên tìm đến nhân viên y tế, cơ sở y tế có uy tín. Các bác sĩ xác định tình trạng bệnh, hướng dẫn điều trị triệu chứng và chăm sóc sức khỏe cần thiết. Hiện nay, điều trị hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Cách tốt nhất để ngăn ngừa di chứng hậu COVID là tránh mắc bệnh COVID-19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19, hãy tiêm vaccine ngay khi có thể. Đây là cách tốt nhất để phòng tránh COVID-19, giúp người xung quanh giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Hiện, Sở Y tế, các cơ quan tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19, thời điểm cần đi khám, chữa bệnh, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở cơ sở khám, chữa bệnh.  

Sở Y tế khuyến cáo, sau mắc COVID-19, người dân cần đi khám sức khỏe. Các cơ sở khám, chữa bệnh hậu COVID-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép. Người dân tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành hay bài thuốc truyền miệng, theo nguồn tin không chính thống.

HẠNH CHÂU