Định hướng tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030

10/12/2018 - 07:25

 - Để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, từng bước đưa ngành du lịch trở thành điểm đến “Hội tụ - khám phá - đồng tâm- lan tỏa” trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

Theo đó, tỉnh đã triển khai bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch, phát triển hạ tầng du lịch. Kiện toàn và phát huy vai trò của từng thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh. Tổ chức thực hiện Quyết định số 2098/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Sam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia núi Sam. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch; kiểm tra, xử lý mạnh các đối tượng có hành vi chèn ép, đeo bám, lừa đảo khách du lịch. Thực hiện đề án trùng tu, tôn tạo di tích, tích cực bảo vệ tài nguyên du lịch; chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện tốt việc quản lý môi trường tại các khu, điểm du lịch; hướng dẫn các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch.

Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và quảng bá hình ảnh du lịch An Giang qua website, điện thoại thông minh; bố trí nguồn vốn phát triển hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó lập danh mục một số dự án trọng điểm của tỉnh, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm, tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách để đưa các dự án đã được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đi vào hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các công trình hạ tầng tại Khu du lịch núi Sam, núi Cấm, Khu du lịch hồ Soài So nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng 2 bến tàu với nhiều cầu tàu đón khách du lịch đường sông tại TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc. Đồng thời, thực hiện chương trình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch mới. Tăng chất lượng loại hình du lịch gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc. Đặc biệt, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển du lịch; triển khai Đề án “Xây dựng và quảng bá hình ảnh tỉnh An Giang” giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025. Đổi mới công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chủ động liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội du lịch trong và ngoài tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến quảng bá du lịch An Giang đến các thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh...

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho 1.800 cán bộ công chức, doanh nghiệp ngành du lịch và nông nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng làm du lịch du lịch cho xã hội. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh các nội dung liên quan đến Luật Đầu tư năm 2014, trong đó, đề xuất bổ sung du lịch là ngành được ưu đãi đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch. Quan tâm, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, các chương trình xúc tiến quảng bá và tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư, đồng thời kiến nghị thành lập quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh An Giang. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các mô hình: phát triển du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp truyền thống, phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống, phát triển loại hình du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư; nâng chất loại hình du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa; mở rộng, khai thác các tour du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa của cư dân, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Gắn loại hình du lịch với hội chợ, hoạt động thương mại vùng biên giới; đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch gắn với ẩm thực và mua sắm đặc sản...

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tin rằng du lịch An Giang sẽ phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU