Đoàn kết tôn giáo, thúc đẩy Tri Tôn phát triển

17/06/2024 - 06:31

 - Bên cạnh địa thế vùng núi, biên giới, Tri Tôn (tỉnh An Giang) còn là huyện đa tôn giáo, đa dân tộc. Việc xây dựng mối quan hệ giữa các tôn giáo hài hòa, đoàn kết, cùng hướng tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo” đang tạo động lực thúc đẩy huyện Tri Tôn phát triển.

Lãnh đạo tỉnh, huyện chúc mừng Đại lễ Tam hợp của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Phát huy truyền thống yêu nước

Núi Tượng - Ba Chúc (huyện Tri Tôn) là một trong những vùng hình thành tôn giáo nội sinh xuất phát từ phong trào yêu nước ở miền Nam, gắn với tên tuổi của Đức Bổn sư Ngô Lợi. Bên cạnh vai trò là giáo chủ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ngài còn là một chiến sĩ yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tiếp nối truyền thống yêu nước, các đệ tử, thân bằng của Đức Bổn sư Ngô Lợi có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, chống lại quân diệt chủng Pol Pot trong chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, góp công xây dựng quê hương hôm nay.

Kể từ năm Đinh Mão (1867), ngày mùng 5/5 được xem là Ngày Khai đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cũng là kỷ niệm Ngày Đản sinh Đức Bổn sư Ngô Lợi và là Ngày Đức Bổn sư thành đạo (thường gọi là Đại lễ Tam hợp).

Đây là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện những tổ chức, tôn giáo khác trên địa bàn An Giang (Công giáo, Tin lành, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo, Cao đài Tây Ninh, Cao đài Ban chỉnh, Hồi giáo, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội tương tế người Hoa TP. Long Xuyên) đến chùa Tam Bửu (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) chúc mừng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cùng các tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, trải qua 157 năm hình thành, phát triển và đồng hành cùng dân tộc (1867 - 2024), các chức sắc, chức việc và thân bằng của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ngoài việc hành đạo theo tôn chỉ “Tu nhân, học Phật”, đường hướng hành đạo “Hành Tứ ân - Sống hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc” và giáo lý chơn truyền của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, còn luôn chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất, tham gia công tác từ thiện - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương phát triển.

Đối với chùa Tam Bửu, trung tâm của đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, là nơi hoạt động đạo sự và sinh hoạt quan trọng của bà con tín đồ. Thời gian qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân, tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn quan tâm phối hợp Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đầu tư, tôn tạo để quần thể di tích chùa Tam Bửu - chùa Phi Lai - Nhà mồ Ba Chúc xứng tầm là Di tích lịch sử cấp quốc gia, thu hút khách hành hương, du lịch đến tham quan, lễ bái.

Đồng hành cùng dân tộc

Từ khi có tư cách pháp nhân và hình thành tổ chức đạo (năm 2010) đến nay, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã trải qua 3 kỳ đại hội và sắp kết thúc nhiệm kỳ III (2020 - 2025), hệ thống tổ chức đạo dần được hoàn thiện, cơ sở vật chất được cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu hành đạo, tu học của chức sắc, chức việc, thân bằng và nhu cầu chính đáng của Nhân dân theo đạo.

Trưởng ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Nguyễn Ngọc Trác cho biết, tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa luôn sống trong lòng dân tộc, cùng dân tộc trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự quan tâm của lãnh đạo các cấp giúp bà con tín đồ thêm vững tin, yên tâm phát triển KTXH và tu học, đóng góp cho công tác an sinh xã hội.

“Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, huyện Tri Tôn và thị trấn Ba Chúc có nhiều giải pháp phát triển KTXH, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nương theo sự chỉ đạo ấy, phát triển song hành cùng quê hương; tự hào nối bước theo tinh thần của Đức Bổn sư Ngô Lợi là sống hòa cùng dân tộc, tích cực phát huy tinh thần đoàn kết với các tôn giáo khác, đóng góp vào sự phát triển chung” - Trưởng ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Nguyễn Ngọc Trác nhấn mạnh.

Đoàn kết tôn giáo, dân tộc là một trong những động lực thúc đẩy KTXH huyện Tri Tôn phát triển. Nếu như tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đóng góp tích cực cho công tác xã hội - từ thiện thì hơn 38.530 đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn (chiếm 32,84% dân số huyện) theo hệ Phật giáo Nam tông cũng có nhiều đóng góp phát triển KTXH.

Điển hình như ở xã Lương Phi, với vai trò tập hợp đoàn kết của hòa thượng Chau Sơn Hy (Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tri Tôn, trụ trì của Sà Lôn), nhiều tuyến đường giao thông nông thôn quan trọng được bà con Khmer góp công, góp của hoàn thành, tạo thuận lợi để người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, bên cạnh thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo, dân tộc, huyện còn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào có đạo, nhất là công tác giảm nghèo. Huyện đã công nhận danh sách 35 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2024 - 2028 (33 nam, 2 nữ).

Đồng thời, tập trung triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng vốn được giao trong giai đoạn 2021 - 2025 gần 138,5 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển gần 92,1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 46,38 tỷ đồng).

“Tôi tin tưởng và mong muốn Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các vị chức sắc, chức việc, thân bằng của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp tục phát huy phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, cùng với các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đoàn kết, gắn bó, cùng chung tay với các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh An Giang phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đưa quê hương An Giang ngày càng phát triển” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị.

NGÔ CHUẨN