Đoàn viên kỳ vọng về Đại hội Công đoàn Việt Nam

20/09/2018 - 07:57

 - Đại hội Công đoàn (CĐ) Việt Nam lần thứ XII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân, viên chức, lao động (LĐ); khẳng định vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức CĐ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nhân sự kiện này, cán bộ, người LĐ tỉnh An Giang gửi gắm nhiều nguyện vọng đến đại hội.

Chủ tịch LĐLĐ TP. Long Xuyên Hồ Đăng Dương:

Tôi kỳ vọng đại hội lần này sẽ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ có sự đổi mới hơn nữa để mọi hoạt động, phong trào đều hướng về cơ sở và lợi ích thiết thực của đoàn viên, người LĐ. Cụ thể như: tập trung hỗ trợ người LĐ về việc làm, đảm bảo thu nhập; đào tạo nghề cho LĐ trẻ ở khu vực nông thôn; tiếp tục cải thiện điều kiện nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân LĐ; xây dựng nhiều thiết chế văn hóa và đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp được thực hiện theo quy định. Đề xuất Trung ương quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp (DN) về cơ chế chính sách, nguồn vốn vay, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, nâng cao tay nghề cho người LĐ, tạo điều kiện tốt nhất giúp DN phát triển. Từ đó, người LĐ sẽ được ổn định việc làm, tăng thu nhập đảm bảo đời sống, góp phần xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa, bền vững tại DN.

CĐ cần tập trung hơn việc quan tâm củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức CĐ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, cần đi sâu, sát thực tế phong trào công nhân viên chức và người LĐ ở các cơ sở, ngành, địa phương nhằm kịp thời nắm tâm tư, tình cảm người LĐ và có nhiều giải pháp tích cực, phù hợp, sát với tình hình.

Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang Trần Thị Thanh Hường:

Hoạt động trong thời kỳ kinh tế hội nhập sâu rộng và phát triển của khoa học - kỹ thuật, CĐ trong DN có nhiều điều kiện tốt nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức, phải chuẩn bị những kiến thức mới cùng bản lĩnh vững vàng để đảm đương những nhiệm vụ và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ người LĐ. Công nghệ càng hiện đại sẽ đòi hỏi lực lượng LĐ cao hơn về trình độ, sức khỏe, tâm lý, khả năng sáng tạo và tinh thần làm việc. CĐ cần giúp cho người LĐ cập nhật và nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc để từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ, thiết bị tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc mới. Đây là yêu cầu, thước đo năng lực, là điều kiện để CĐ cùng người LĐ thể hiện, nâng cao vị thế và uy tín của mình, song hành cùng DN phát triển bền vững. CĐ cần quan tâm phát huy hiệu quả phong trào thi đua “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo” trong DN.

Phong trào thi đua yêu nước phải thiết thực, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, phù hợp với điều kiện, yêu cầu và nhiệm vụ của DN, quan tâm đến từng người LĐ, trân trọng, động viên những ý tưởng, sáng kiến của người LĐ và tổ chức tuyên dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến kịp thời.

Chủ tịch CĐ các khu Công nghiệp tỉnh Tô Minh Lắm:

Việc hội nhập cũng như những khó khăn, thách thức đặt ra trong thời gian tới đòi hỏi hoạt động CĐ cần có những nghiên cứu về các chính sách và hoạt động theo xu hướng dịch chuyển dần chức năng, nhiệm vụ. Cần giảm dần các hoạt động phong trào không cần thiết, tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ đoàn viên và người LĐ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động của tổ chức CĐ theo tình hình mới.

Hoạt động CĐ cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chức năng đại diện, bảo vệ của tổ chức CĐ đối với đoàn viên và người LĐ gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện, nhất là việc giải quyết tranh chấp LĐ, khởi kiện hoặc ủy quyền khởi kiện chủ sử dụng LĐ. Cần nghiên cứu và tổng kết thực tiễn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CĐ cơ sở để có những phân cấp thực hiện nhiệm vụ cho CĐ cơ sở khả thi hơn, góp phần giải quyết những vấn đề tồn đọng, đặc biệt đối với CĐ cơ sở các DN.

Nguyễn Thị Tường Vân (công nhân Công ty Cổ phần Gavi):

Tôi đại diện người LĐ rất mong CĐ Việt Nam có giải pháp tác động đến người sử dụng LĐ trong DN, đặc biệt là tăng định mức hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho người LĐ để đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh quan tâm đến môi trường ở các khu công nghiệp tập trung đông công nhân, CĐ cần sớm đầu tư các thiết chế văn hóa ở các huyện, thị xã để phục vụ, chăm lo tinh thần cho người LĐ sau những giờ làm việc như: nhà văn hóa, sân bóng đá, sân cầu lông, tụ điểm sinh hoạt cho công nhân… Ngoài ra, mong tổ chức CĐ chăm lo, hỗ trợ nhiều hơn đời sống đối với người LĐ bằng biện pháp hỗ trợ nhà Mái ấm CĐ, mở rộng các dịch vụ thụ hưởng (hàng hóa, cước phí) cho đoàn viên, thông qua các chương trình ký kết giữa CĐ với các đối tác, DN…

Theo tôi, đây là một trong những việc làm thiết thực, hiệu quả để tạo sự khác biệt về quyền lợi giữa đoàn viên CĐ và người LĐ, nhằm thu hút, tập hợp người LĐ tham gia tổ chức CĐ một cách chủ động và ngày một đông hơn.

MỸ HẠNH