Lãnh đạo tỉnh, huyện chụp ảnh lưu niệm bên cây dầu rái
Cây dầu rái phát triển xanh tốt
PGS.TS Nguyễn Văn Công (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) chia sẻ: “Qua hoạt động bảo tồn cây di sản, chúng ta thể hiện sự trân quý và biết ơn đối với tiền nhân. Thế hệ trước đã trồng, bảo vệ, để hôm nay có được những cây quý báu này. Chúng ta có nghĩa vụ phải giữ gìn bền vững cho hậu thế.
Vinh danh cây dầu rái ở đình Thoại Ngọc Hầu, chúng ta còn góp phần quảng bá du lịch, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, văn hóa và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc. Dưới gốc cây này, hàng trăm năm qua lưu giữ dấu chân của người đi mở đất, khẩn hoang, lập ấp và cả người đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất”.
Sự kiện Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng, trực tiếp triển khai từ năm 2010. Hơn 10 năm hoạt động, gần 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ ở hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần bảo tồn nguồn gen quý nói riêng; giáo dục ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nói chung.
Là người trực tiếp lập hồ sơ để cây dầu rái trong khuôn viên đình Thoại Ngọc Hầu được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, ông Trần Hữu Huệ (thành viên Ban Quý tế đình) khẳng định: “Sau khi khảo sát, lấy ý kiến của các vị bô lão nơi đây, mọi người đều cho rằng, cây được trồng vào năm xây dựng đình (1822). Thời điểm đó, người xưa trồng các loại cây xanh tạo bóng mát, không khí trong lành, trang nghiêm nơi đình thờ”.
Theo sử sách, mùa Xuân năm Mậu Dần 1818, được sự chuẩn tấu của vua Gia Long, Thoại Ngọc Hầu chiêu tập dân binh, phát lệnh đào kênh. Dưới sự chỉ huy của ông, hơn 1.500 nhân binh tích cực làm việc, luân phiên đào kênh. Qua 1 tháng đào lấp, nạo vét cát bùn, mở rộng rạch Lạc Dục (từ Ba Bần vào Núi Sập), họ đào thẳng hướng Núi Sập - Kiên Giang, hình thành kênh mới.
Con kênh dài hơn 30km, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên), với ngọn Giá Khê (Rạch Giá) trở thành con sông to, tấp nập ghe thuyền. Năm 1822, Thoại Ngọc Hầu long trọng mở hội dựng bia, chính thức lập làng Thoại Sơn. Ngôi làng năm ấy giờ đã phát triển văn minh, sầm uất, với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Cũng tại nơi này, với lòng thành kính và tri ân, nhân dân đã lập đền thờ phụng thờ ông đến nay.
Theo ông Huệ, qua tính toán, cây dầu rái trên 200 năm tuổi. So với tiêu chí Cây Di sản Việt Nam, năm tuổi của cây đã vượt xa (cây trồng phải trên 100 năm, cao to hùng vĩ, có giá trị về văn hóa và lịch sử…). Đường kính cây 1,4m, cao trên 27m, dáng đứng, phát triển rất xanh tốt. Cái khó trong quá trình lập hồ sơ cho Cây Di sản Việt Nam đối với cây dầu rái là việc hoàn thành, thu thập số liệu, tiêu chí đặt ra theo hồ sơ minh chứng. Nhờ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, thủ tục đã hoàn tất. Sau 4 tháng xét duyệt, cây chính thức được công nhận Cây Di sản Việt Nam, ngày 17/7/2023.
“Ngoài cây dầu rái 201 năm tuổi này, khuôn viên đình còn rất nhiều cổ thụ, như: 3 cây giáng hương (có 1 cây được các bô lão xác định trên 150 năm tuổi), 37 cây sao và 40 cây dầu rái (được trồng nhiều đợt, độ tuổi trung bình từ 30 - 100 năm). Sắp tới, sẽ gửi hồ sơ đăng ký Cây Di sản Việt Nam đối với cây giáng hương 150 năm tuổi. Ban quản lý đình mở rộng diện tích đất sống cho các cây xanh còn lại trong khuôn viên, để cây sinh sôi, phát triển” - ông Huệ cho hay.
Phó Trưởng ban Quản lý di tích đình Thoại Ngọc Hầu Trần Trung Thành cho biết: “Khuôn viên Đình Thoại Ngọc Hầu luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, nhờ lãnh đạo các cấp quan tâm; sự đóng góp công sức, vật chất của nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương, nhất là nhân dân huyện nhà luôn chung tay giữ gìn, phát triển. Cây dầu rái trở thành Cây Di sản Việt Nam là niềm vui, vinh dự rất to lớn. Chúng tôi xem đây là tài sản quý giá, phát động nhân dân trồng và bảo vệ cây đã có sẵn, để được công nhận thêm nhiều cây di sản trên địa bàn huyện”.
Cá thể cổ thụ dầu rái là chứng tích vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành vùng đất, cũng như lưu giữ dấu chân của người đi mở đất, khẩn hoang, lập ấp thuở xưa.
PHƯƠNG LAN