Các mô hình “Đổi mới sáng tạo xanh” đã góp phần hình thành nền nông nghiệp bền vững cho tỉnh An Giang
Dự án GIC đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trong việc thay đổi nhận thức, tập quán của nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, nền nông nghiệp carbon thấp. Trong đó, gói hỗ trợ “Huấn luyện nông dân, xây dựng mô hình và các hỗ trợ khác về sản xuất lúa” đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị hạt gạo, hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe con người.
Mô hình triển khai tại HXT Nông nghiệp Tây Phú (huyện Thoại Sơn) với diện tích 20ha, 8 hộ tham gia. Ông Bùi Văn Thanh (thành viên HTX) cho biết, gia đình ông sử dụng giống OM18 cấp xác nhận, mật độ gieo sạ 120kg/ha. Tham gia mô hình, ông được cán bộ khuyến nông tập huấn tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, gieo sạ né rầy, canh tác theo tiêu chuẩn SRP... Trước khi gieo sạ, ông xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học R1. Ông còn trồng hoa trên bờ ruộng nhằm thu hút, dẫn dụ thiên địch và tạo khung cảnh đẹp, thân thiện môi trường. Ông Thanh đánh giá: “Canh tác theo tiêu chuẩn SRP sẽ giảm đến 18% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); năng suất cao hơn 130 - 150kg/ha so với canh tác lúa thông thường. Ngoài ra, lúa đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp nên được tăng giá thêm 200 đồng/kg. Vụ hè thu 2023, tôi bán được 7.200 đồng/kg, cao hơn so giá thị trường”.
Đồng thời, Dự án GIC triển khai gói hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực kinh doanh cho các HTX lúa gạo”. Trong đó, hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm phân hữu cơ từ rơm, sử dụng máy đảo phân và xây dựng mô hình kinh doanh cho HTX.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân) Trần Văn Lô Ba cho biết, đơn vị được Dự án GIC, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ từ rơm rạ. Theo đó, sử dụng phân ủ tiết kiệm từ 20 - 30% lượng phân khoáng theo khuyến cáo, giảm sử dụng thuốc BVTV; tăng lợi nhuận khoảng 3,5 triệu đồng/ha. Việc dùng rơm ủ phân hữu cơ góp phần giảm phát thải khí nhà kính so với việc chôn vùi rơm sau thu hoạch. Hơn nữa, việc tránh đốt rơm rạ tại đồng là một trong những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh cây lúa, Dự án GIC còn triển khai gói hỗ trợ “Nâng cao chuỗi giá trị xoài”. Với gói hỗ trợ này, ban quản lý dự án đã tổ chức tập huấn về quản lý nước tưới và dinh dưỡng; quản lý sâu bệnh hại, quy định về đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng thuốc BVTV trong xuất khẩu trên trái xoài; tập huấn thực hành cách bón phân, vận hành hệ thống tưới tự động, cắt tỉa cành, thao tác thu hoạch, phân loại, sơ chế, bảo quản xoài, giảm thất thoát sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu…
Với gói hỗ trợ này, nông dân trồng xoài keo của HTX Long Bình (huyện An Phú) được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động. Dự án còn tiến hành lấy mẫu đất, lá để phân tích dinh dưỡng trong đất, từ đó đề xuất chiến lược sử dụng phân bón hợp lý. Nông dân tham gia dự án còn được hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ nguyên vật liệu sản xuất hữu cơ, gồm: Phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, quản lý dư lượng thuốc BVTV…
Gói hỗ trợ kỹ thuật “Lớp học kinh doanh cho nông dân” là sáng kiến rất mới của dự án. Thông qua gói này, nông dân đã được hướng dẫn tính toán chi phí canh tác; xác định được chi phí, chi tiêu của gia đình. Các nội dung này kết hợp với nhau, giúp nông dân tự làm được bảng cân đối tài chính của hộ gia đình, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn tiền, gặp khó về tài chính… Chị Nguyễn Thị An (thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân) cho biết, lớp học giúp nông dân biết cách cắt giảm chi phí thông qua thực hiện quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo chuẩn SRP. Qua đó, tiết giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, BVTV… Vận dụng phương pháp kỹ thuật giúp nông dân tiết kiệm 30% so với sản xuất thông thường, đảm bảo lợi nhuận tốt hơn. Qua đó, giúp nông dân biết cách tính toán sản xuất có lợi nhất, tích cực tham gia vào HTX cũng như liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nhân rộng các gói tập huấn ra địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, thúc đẩy giới thiệu, nhân rộng mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo trên nhiều sản phẩm nông nghiệp khác (rau màu, các loại cây ăn trái), góp phần phát triển nông thôn bền vững.
ĐỨC TOÀN