Khoảng những năm 2009, 2010, ấn tượng khi nhắc đến hai xã Hang Kia, Pà Cò chính là “lãnh địa” của thuốc phiện và những hủ tục lạc hậu. Đây là khu vực sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông; đồng thời cũng là địa bàn “nóng” trong cuộc chiến giữa lực lượng an ninh với các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy. Thực hiện quan điểm của Đảng về chính sách dân tộc, đầu năm 2010, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò, giai đoạn 2010 - 2020.
Thực hiện Đề án, hàng loạt biện pháp đã được triển khai trên cơ sở bám sát tình hình và nhu cầu thực tiễn của người dân. Trong đó trọng tâm là tăng cường đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; xây dựng thế trận an ninh nhân dân; đẩy lùi tội phạm ma túy… Mục tiêu xuyết suốt là từng bước phát triển mọi mặt đời sống của đồng bào người Mông ở Hang Kia, Pà Cò. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, Đề án số 03-ĐA/TU thực sự đã mang đến những đổi thay lớn trong đời sống của người dân nơi đây.
Đồng bào dân tộc Mông ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) xây dựng hàng rào đá tạo cảnh quan cho khu dân cư kiểu mẫu. (Ảnh: Thu Hằng).
Có mặt ở xã Pà Cò những ngày này, cảm nhận rõ nhất của chúng tôi đó là niềm vui, sự phấn khởi của bà con dân tộc Mông trong những khu dân cư kiểu mẫu. Tại bản Chà Đáy, xã Pà Cò nơi có 82 hộ, 392 nhân khẩu, thực hiện xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xóm đã tập trung phát động đến các tổ liên gia tự quản cùng phối hợp với người dân thực hiện chỉnh trang nhà cửa, nhà văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh. Với nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 70 triệu đồng để mua nguyên vật liệu xây dựng, cây xanh và sự đóng góp của người dân, các hoạt động góp phần tạo cảnh quan cho khu dân cư như xây dựng hàng rào đá, trồng cây xanh, trồng hoa hai bên đường trục xóm được triển khai.
Song song với đó, các đơn vị, đoàn thể địa phương cùng phối hợp mở rộng đường, đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Ông Sùng A Si, Trưởng bản Chà Đáy chia sẻ: “Đời sống bà con nay khác trước nhiều rồi. Đảng, Nhà nước quan tâm đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng cơ sở vùng nông thôn; phát triển các mô hình kinh tế giúp tăng thu nhập, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Ai cũng phấn khởi, tích cực xây dựng đời sống mới”.
Chia tay Pà Cò, chúng tôi đến với xã Hang Kia. Nỗi “ám ảnh” về con đường ngoằn ngoèo, heo hút, gập ghềnh đất đá ngày nào giờ đã được thay bằng hình ảnh con đường dẫn về xã và đến các xóm, bản được mở rộng, cứng hóa. Trường học, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh ban đầu của người dân. Thực tế cho thấy, việc triển khai Đề án số 03-ĐA/TU gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã giúp Hang Kia có hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Đảng, Nhà nước quan tâm đưa điện về, đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học… Bà con được đào tạo nghề, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng...
Người dân trong xã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ đó có thu nhập ổn định. Nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang từng bước được loại bỏ. Anh Vàng A Thông ở bản Thung Mạn, xã Hang Kia chia sẻ: "Nhờ sự quan tâm của các cấp đã giúp thay đổi đời sống của bà con trong bản. Đến nay, bà con dân tộc Mông ở Thung Mạn đã có cuộc sống mới văn minh, đủ đầy, yên bình hơn".
Có được những kết quả trên là do quá trình triển khai thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở và già làng, trưởng bản, người có uy tín đã đã được phát huy thường xuyên. Nhất là trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông báo về các thủ đoạn hoạt động của tội phạm đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao ý thức cảnh giác. Đặc biệt, thông qua việc triển khai hiệu quả mô hình dân vận khéo “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” đã từng bước tạo niềm tin và sự gắn kết người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm làm bánh ngô tại xã Hang Kia (Ảnh: Cẩm Lệ).
Đặc biệt, song song với xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, việc phát triển hoạt động du lịch cộng đồng cũng được thực hiện có hiệu quả tại Hang Kia, Pà Cò. Nhờ những đổi thay rõ rệt trong việc bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự, thời gian qua, số lượng du khách đến với hai xã Hang Kia, Pà Cò ngày càng nhiều hơn. Từ đó, dần mở ra hướng đi hiệu quả cho người dân địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.
Theo đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình, qua 10 năm thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, hệ thống chính trị hai xã Hang Kia, Pà Cò đã được kiện toàn, củng cố, bộ máy chính quyền hoạt động đi vào nền nếp; hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy được kiềm chế. Sự thay đổi lớn nhất của hai xã có gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống - là nhiều chương trình, dự án về phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, cơ sở vật chất đã được thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của đồng bào Mông được cải thiện đáng kể; nhận thức của người dân trong giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sống được nâng cao. Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân/người xã Pà Cò đạt trên 15 triệu đồng/người/năm, xã Hang Kia đạt trên 16 triệu đồng/người/năm.
Để tiếp tục thúc đảy sự phát triển của Hang Kia, Pà Cò, thời gian tới, Tỉnh ủy Hòa Bình sẽ tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân hai xã. Trong đó, tập trung tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân; phát huy vai trò của già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tiếp tục thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hai xã vững mạnh.
Theo PHẠM MINH HÀ (Đảng Cộng Sản)