Đón Tết với mứt nhà làm

30/01/2024 - 04:06

 - Ngoài “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, bánh tét, cành mai vàng thì mứt Tết cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Mứt không chỉ là quà tặng mà còn là đồ ăn vặt hấp dẫn để chiêu đãi khách đến chơi nhà.

Những gian hàng bánh mứt ở chợ Tết vì vậy luôn nhộn nhịp, tấp nập người mua, người bán. Theo xu hướng hiện nay, các loại mứt Tết “handmade”, nhà làm có cơ hội phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Tuy hàng hóa đa dạng, phong phú, cần gì có nấy, song vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn khiến người tiêu dùng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn đối với nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

“Tôi thường học làm các loại bánh, mứt ngày Tết. Đồ ăn tự tay mình làm hợp khẩu vị gia đình, đảm bảo vệ sinh mà còn thực sự ý nghĩa. Đơn cử như món mứt dừa không quá cầu kỳ, nguyên liệu đơn giản, ai cũng có thể làm được. Có nhiều cách làm khác nhau được chia sẻ kinh nghiệm trên mạng xã hội Facebook, YouTube. Tôi tìm hiểu học theo, làm riết thành quen tay. Dù có hơi cực nhưng vui vì vừa giải khuây, vừa có món ngon cho con cái thưởng thức” - chị Cẩm Lài (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Mỗi dịp Tết đến, hầu như tất cả các gia đình Việt Nam đều chuẩn bị khay mứt đặt ở phòng khách như một truyền thống. Bởi lẽ, văn hóa người Việt rất mến khách. Trong mâm mứt ngày Tết, người ta thường bày đầy đủ các loại mứt, bánh, kẹo để tiếp đãi khách đến chơi nhà. Nói đến mứt Tết, vừa đa dạng lại phong phú. Không chỉ trái cây, nhiều loại củ cũng được sáng tạo làm mứt, khá lạ miệng và đẹp mắt. Nào là mứt dừa, mứt bí, mứt chanh dây, mứt chà là, mứt khoai lang, mứt bưởi, mứt hoa hồng...

Với kinh nghiệm làm mứt hơn 10 năm, chị Ngọc Yến (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) khá bận rộn với những đơn hàng bánh, mứt cận Tết. “Năm nay, tôi làm mứt dừa, mứt mãng cầu và mứt khóm bán Tết. Như mọi năm, trước Tết khoảng một tháng, tôi đã đăng bài bán hàng lên Facebook nhận đơn hàng từ từ. Thường thì, mọi người đặt mứt nhiều khoảng rằm tháng Chạp đến 29 Tết. Do mứt nhà làm, không chất bảo quản, nên khi có đơn hàng, tôi mới chế biến nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cho khách hàng” - chị Yến cho hay.

Mứt Tết không đơn giản là món nhâm nhi, mà chính hương vị ngọt ngào của nó là cầu nối cho những giờ phút gia đình sum vầy bên nhau để hàn huyên những vui buồn của năm cũ và chia sẻ những dự định, mong ước trong năm mới. Điều bình thường, đẹp đẽ đó qua bao năm tháng đã góp phần lưu giữ truyền thống và giá trị văn hóa cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Tự mày mò làm mứt Tết cho gia đình dùng, được người thân, bạn bè ngợi khen ngon, chị Quách Kim Hồng (ấp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn) càng có động lực bán mứt Tết. Thế là, bước vào giữa tháng Chạp, chị Hồng bận rộn luôn tay với những đơn hàng mứt Tết nhà làm. “Tết năm nay, tôi chỉ làm mứt dừa sữa và mứt táo hồng. Giá mứt dừa 200.000 đồng/kg, mứt táo hồng 160.000 đồng/kg. Tôi dự định bán khoảng 100kg mứt Tết. Do kinh tế khó khăn, người mua giảm hơn các năm trước. Tuy làm mứt cực, công phu nhưng tôi không tăng giá bán để hỗ trợ mọi người” - chị Hồng bày tỏ.

Mâm cúng Tết của mọi người có thể ít nhiều tùy theo điều kiện. Mứt Tết vẫn là món ăn được lựa chọn khá nhiều trên mâm lễ vật. “Cúng giao thừa xong, các thành viên trong gia đình tôi quây quần bên nhau cùng thưởng thức những miếng bánh tét, cùng các loại mứt Tết nhà làm và trao nhau những lời chúc tốt đẹp, cầu mong một năm mới thuận lợi và may mắn” - cô Bạch Loan (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) hồ hởi.

Dù cho có muôn vàn loại bánh kẹo “xịn xò” ra đời, thì mứt truyền thống vẫn là món không thể thiếu trong ngày Tết.

Người tiêu dùng nên chọn mua và sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

 

PHƯƠNG LAN