Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

27/12/2021 - 06:52

 - Thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2011-2020, Tỉnh đoàn cùng Đoàn cơ sở đồng hành cùng thanh niên trong giải quyết việc làm, khởi nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; phối hợp hỗ trợ vốn cho thanh niên phát triển kinh tế... Phóng viên Báo An Giang phỏng vấn Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Thành Sĩ xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (P.V): Xin anh cho biết những kết quả trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2011-2020?

Anh Lâm Thành Sĩ: Giai đoạn này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành hơn 170 văn bản liên quan đến Chương trình phát triển thanh niên. Với sức trẻ, thanh niên An Giang luôn tích cực tình nguyện, xung kích tham gia vào hoạt động của Đoàn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Hơn 600 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và đảng viên trẻ được Trung ương Đoàn tuyên dương, trao thưởng; hơn 800 cán bộ Đoàn được Trung ương Đoàn trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”.

Các cấp bộ Đoàn tư vấn, hướng nghiệp cho 325.205 thanh niên, học sinh; dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 93.995 thanh niên. Tổ chức 2.547 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật, thu hút trên 257.350 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang thực hiện hơn 100 chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chủ trương, chính sách, thông tin cần thiết về hoạt động thanh niên. Phối hợp Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức hơn 1.200 cuộc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp. Duy trì hoạt động gần 1.800 tủ sách “Học tập và làm theo lời Bác” với 30.129 đầu sách, báo, tạp chí thanh niên...

Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Lâm Thành Sĩ

Toàn tỉnh đã giáo dục, cảm hóa 3.875 thanh thiếu niên chậm tiến. Đặc biệt, sự ra đời của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đánh dấu bước ngoặt cho công tác hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp tỉnh nhà. Năm 2018, Tỉnh đoàn thành lập Quỹ Hỗ trợ thanh niên, khởi nghiệp. Đến năm 2020, nguồn quỹ hỗ trợ trên 3 tỷ đồng cho 40 dự án khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên. Thông qua nhiều công trình thanh niên “Hỗ trợ thanh niên thoát nghèo bền vững”, “Hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình kinh tế”, 186 thanh niên được hỗ trợ vốn trên 5 tỷ đồng.

P.V: Xin anh chia sẻ về thuận lợi, khó khăn và định hướng trong tìm kiếm việc làm, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhân rộng mô hình làm kinh tế đạt hiệu quả của thanh niên?

Anh Lâm Thành Sĩ: Toàn tỉnh hiện có 176.373 thanh niên, tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên đạt 75,7% (vượt chỉ tiêu). Hơn 42.000 thanh niên rời địa phương đi làm ăn xa, ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, là một trong những vấn đề đặt ra cần có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Thời gian qua, nhiều chính sách, cơ chế được ban hành hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ngân hàng Chính sách xã hội ưu đãi về vốn, lãi suất cho thanh niên. Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh phát hiện những dự án tiềm năng để hỗ trợ kịp thời; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu việc làm cho thanh niên... Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến các hoạt động lớn của Đoàn, trong đó có công tác tư vấn và giới thiệu việc làm. Công tác ủy thác qua kênh Đoàn Thanh niên không đạt chỉ tiêu, dư nợ từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạt 8%...   

Trần Thị Kim Ngân (TX. Tân Châu) đoạt giải nhì cuộc thi “Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo” tỉnh Đồng Tháp năm 2021

Bằng sự nỗ lực vượt khó, sức trẻ của thanh niên, năm 2021, tỉnh có nhiều mô hình khởi nghiệp tiêu biểu do thanh niên thực hiện, như dự án “Mắm chao cá mè vinh” của Trần Thị Kim Ngân (TX. Tân Châu). Qua đó, đã thương mại hóa sản phẩm, đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đoạt giải ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang năm 2020”, giải nhì cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2021, vào vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021” do Trung ương Đoàn tổ chức. Dự án “Ươm nuôi và kinh doanh cá 7 màu Guppy công nghệ mới” của Nguyễn Thứ Lễ (TP. Long Xuyên) tạo sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài nước, tỷ suất doanh thu tốt. Dự án “Quy trình sản xuất cốm” của Võ Thanh Ngọc, Kiều Thanh Dũng; “Vỏ bưởi sấy dẻo Mộc Việt” của Nguyễn Thị Lài đoạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang năm 2021”, sản phẩm đã thương mại hóa.

P.V: Để tiếp tục hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, anh có đề xuất giải pháp gì nhằm tháo gỡ bất cập trong thực hiện chương trình hỗ trợ khởi nghiệp?

Anh Lâm Thành Sĩ: Các chính sách khởi nghiệp được ban hành thời gian gần đây rất phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, cần có sự đồng nhất trong hoạt động hỗ trợ, giúp thanh niên dễ dàng nhận được sự hỗ trợ và đến đúng đơn vị chức năng. Cụ thể, cần có sự liên kết giữa đơn vị phụ trách hoạt động khởi nghiệp; sở, ngành đảm trách công tác khởi nghiệp cần có sự kết nối và phối hợp chặt chẽ với Tỉnh đoàn; mỗi đơn vị cử đầu mối tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp. Cần hỗ trợ chi phí tham gia triển lãm, hội chợ, cuộc thi khởi nghiệp... cho thanh niên.

Từ sau “Hội thảo định hướng khởi nghiệp năm 2017”, thanh niên khởi nghiệp chưa có dịp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh. Họ mong muốn được tham gia buổi tọa đàm, diễn đàn khởi nghiệp có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh để được bày tỏ ý chí, nguyện vọng và chia sẻ thành công đã đạt được. Mong rằng, hoạt động được tổ chức, tạo động lực và truyền thêm ngọn lửa đam mê khởi nghiệp cho thanh niên. Đồng thời, cần thêm sự tác động từ lãnh đạo tỉnh đến doanh nghiệp lớn trong đầu tư, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm do thanh niên khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp của tỉnh. 

P.V: Xin cám ơn anh!

HẠNH CHÂU