Đồng Nai hướng đến phát triển nông thôn mới theo chiều sâu

02/10/2020 - 13:18

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành tốt các tiêu chí, hướng đến phát triển nông thôn mới theo chiều sâu, lấy phát triển nông nghiệp làm nền tảng thay đổi bộ mặt nông thôn.

Dưa lưới hữu cơ của trang trại Việt. (Ảnh: Thìn Nguyễn/Vietnam+)

Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương hưởng ứng tích cực chương trình này cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành tốt các tiêu chí, hướng đến phát triển nông thôn mới theo chiều sâu, lấy phát triển nông nghiệp làm nền tảng thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.

Lấy nông nghiệp làm trọng tâm

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ không có điểm kết của các tỉnh nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Vì vậy, chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai xác định, cho dù 100% đơn vị huyện đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng các địa phương giữ vững tâm lý không chủ quan, tự mãn với kết quả đã đạt được.

Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã luôn xác định phải lấy đời sống người dân nông thôn làm thước đo xây dựng nông thôn mới. 

Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai luôn xem phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Đây không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế mà còn đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh có những bước tiến mạnh mẽ.

Cụ thể, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng.

Các cây, con chủ lực đã được sắp xếp và hình thành rõ các vùng sản xuất tập trung. Hiện nay, tỉnh đã có những vùng cây chuyên canh, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Gần 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là một con số không hề nhỏ.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và người sản xuất chiếm tỉ suất cao.

Đến trang trại trồng thanh long của ông Bùi Đình Anh ở huyện Xuân Lộc, ông Bùi Đình Anh cho biết đã mua lại đất sản xuất lúa kém hiệu quả của các hộ nông dân. Sau đó, ông cải tạo, chuyển đổi sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Sau 2 năm, cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa nhiều lần. Từ nguồn thu nhập này, ông đã thuê người làm góp phần giải quyết lao động tại địa phương, với phương thức chia lợi nhuận theo tỷ lệ 3/7.

Khi thu hoạch thanh long, khấu trừ toàn bộ chi phí, ông Bùi Đình Anh lợi nhuận 1 tỷ đồng/ha, ông quyết định chia lợi nhuận 300 triệu đồng cho những người làm công trên mảnh đất thanh long hiện nay, bình quân, mỗi người thu nhập khoảng từ 15-16 triệu đồng/tháng.

Bằng cách chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, đời sống của người dân nông thôn cải thiện chính là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được.

Dong Nai huong den phat trien nong thon moi theo chieu sau hinh anh 2

Vườn rau sạch được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. (Ảnh: Thìn Nguyễn/Vietnam+)

Ngoài những trang trại tự thân người dân xây dựng để phát triển kinh tế, cải thiện diện mạo nông thôn, còn có nhiều doanh nghiệp đã về tỉnh Đồng Nai xây dựng trang trại sản xuất hữu cơ, liên kết với các chuyên gia nông nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản để thay đổi tư duy sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm để cung ứng cho xuất khẩu.

Đến thăm Trang trại Việt của ông Trần Quang Tính, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, ông Tính đã nhiệt tình chia sẻ những thành công từ sự liên kết này.

Ông Tính cho biết sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, việc chú trọng xây dựng chuỗi liên kết là điều tất yếu. Qua liên kết, các doanh nghiệp và nông dân mới đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy mạnh tính chuyên môn hóa, mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Nền tảng thay đổi bộ mặt nông thôn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 9/2020, tỉnh Đồng Nai có 11/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để có kết quả đó, chính quyền tỉnh đã thực hiện những bước đi cụ thể, đồng bộ với sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, trong đó người dân giữ vị trí trung tâm.

Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Đồng Nai cho biết tuy là tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 6% nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí quan trọng trong chiến lược xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững của tỉnh.

Trước khi có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2007, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng “nông thôn 4 có” gồm: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa phát triển, có môi trường sinh thái tốt.

Chủ trương này đã được đưa vào nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai, qua đó xác định lấy người dân làm trung tâm, vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng thành quả. Trong gần 10 năm qua, Đồng Nai đã đầu tư khoảng 330.000 tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn. Đây không chỉ là tiền đề quan trọng mà còn là động lực để Đồng Nai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trên nền tảng "nông thôn 4 có," Đồng Nai đã có những bước tiến nhanh về nông nghiệp nông thôn. Những thành tựu đạt được có ý nghĩa lớn và khích lệ trên tất cả các mặt, với nhiều điểm nổi bật, nông thôn trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực đổi mới rõ nét như: sản xuất phát triển ổn định.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm, hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trạm y tế đạt chuẩn, nguồn điện đủ đáp ứng thường xuyên cho nhu cầu sinh hoạt dân cư và cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất; môi trường sinh thái có bước cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố ổn định; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần người dân khu vực nông thôn được nâng cao.

Dong Nai huong den phat trien nong thon moi theo chieu sau hinh anh 3

Tuyến đường xanh, sạch, đẹp tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc. (Ảnh: Thìn Nguyễn/Vietnam+)

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 133/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với mục tiêu ban đầu tỉnh đặt ra.

Đồng thời, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh của cả nước được Trung ương chọn thực hiện thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu (huyện Xuân Lộc nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững); triển khai thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu./.

Theo Vietnam+