Đông Nam Á chọn cách tiếp cận ‘chờ và theo dõi’ đối với biến thể Omicron

10/12/2021 - 19:16

Tại thời điểm đỉnh dịch COVID-19 tháng 7 khi biến thể Delta càn quét khắp Indonesia, bệnh viện lớn thứ hai ở thủ đô Jakarta đang điều trị trên 250 bệnh nhân nặng và từ chối tiếp nhận mọi ca ít nghiêm trọng.

Hiện tại, bệnh viện RS Persahabatan chỉ còn 2 bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt và số giường điều trị giới hạn còn 20.

Bác sĩ Erlina Burhan, 58 tuổi, Trưởng khoa phổi của bệnh viện, không tin cơn ác mộng hồi tháng 7 sẽ lặp lại với biến thể mới nhất là Omicron, được cho là dễ lây lan hơn nhưng ít gây chết người hơn Delta.

Nhân viên y tế kiểm tra hành khách khi đến sân bay Soekarno-Hatta ở Tangerang, Indonesia. Ảnh: EPA-EFE

“Hồi tháng 7, chúng tôi chưa chuẩn bị đối với sự lây lan nhanh chóng và nghiêm trọng của Delta. Giờ đây mọi thứ đã khác”, bà Erlina nói. 

Khu vực Đông Nam Á từng là tâm dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn cộng với tỷ lệ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó và việc người dân đã quen sống chung với COVID-19 cho thấy khu vực này sẽ tránh đi vào vết xe đổ vào giữa năm nay. 

Trên 50 quốc gia đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron nhưng cho đến nay không có ca tử vong liên quan đến nó. Một nghiên cứu tại Nam Phi mới đây cũng chỉ ra rằng bệnh nhân nhiễm. Omicron chỉ có các triệu chứng thể nhẹ. Các chuyên gia cho rằng chưa cần thiết phải áp đặt các lệnh giới hạn đi lại mới.

Ngày 6-12, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã đảo ngược kế hoạch khôi phục các hạn chế đi lại trong kỳ nghỉ lễ cuối năm. “Đó là một quyết định đúng đắn”, Tiến sĩ Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia chia sẻ với báo Straits Times. Ông cho rằng hiện chưa có lý do phải lo ngại về Omicron cũng như chưa có bằng chứng về sự gia tăng ca mắc nghiêm trọng.  

Sự lây lan nhanh chóng của Delta và hơn 1 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm tại quốc gia này mỗi ngày đồng nghĩa với việc phần lớn dân số Indonesia đã có mức độ miễn dịch nhất định với virus SARS-CoV-2.

Ông tin tưởng rằng một loạt các nghiên cứu huyết thanh học của chính phủ với 22.000 người ở khắp Indonesia, dự kiến kết thúc trong tháng này, có khả năng cho thấy một nửa dân số nước này đã có kháng thể đối với COVID-19.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Omicron là biến thể đáng lo ngại, các nhà lập pháp tại khu vực này đã đẩy mạnh xét nghiệm và sàng lọc, song không có ý định tái áp đặt lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt như trước đây. 

Giới chức Malaysia thông báo từ ngày 9-12 những du khách nhập cảnh nước này theo hàng lang du lịch vaccine (thoả thuận song phương cho phép người tiêm đủ hai liều vaccine không phải cách ly) sẽ cần xét nghiệm 6 ngày liên tiếp. 

Singapore siết chặt yêu cầu sàng lọc với hành khách nhập cảnh, đóng băng hành lang du lịch với UAE, Saudi Arabia và Qatar.  Ảnh: Straits Times

Singapore - quốc gia có 27 hành lang du lịch - thông báo sẽ đóng băng kế hoạch mở hành lang với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và Saudi Arabia. Singapore cũng siết chặt các quy định nhập cảnh, trong đó có yêu cầu xét nghiệm PCR trước khi khởi hành và sau khi hạ cánh. Các quy định mới cũng sẽ yêu cầu người nhập cảnh phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại các trung tâm được chỉ định vào ngày thứ ba và thứ bảy sau khi đến.

Thái Lan đã quyết định đảo ngược các quy định về miễn cách ly cho những du khách đã tiêm phòng COVID-19 trong khi họ chờ kết quả xét nghiệm PCR. Thay vào đó, từ tuần tới, du khách sẽ phải ngủ ít nhất 1 đêm tại khách sạn cách ly trong lúc chờ kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. 

“Các quốc gia đang ở trong trạng thái chờ và xem. Quốc gia nào đã mở cửa biên giới vẫn sẽ duy trì mở cửa, song tăng cường xét nghiệm sàng lọc người nhập cảnh”, ông Peter Mumford, chuyên gia tư vấn về rủi ro tại Eurasia Group nhận xét. 

Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen làm việc tại ngân hàng đầu tư Pháp Natixis ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sự xuất hiện của Omicron trên thực tế có thể là điềm báo tốt khi nó có vẻ dễ lây truyền hơn nhưng lại gây triệu chứng nhẹ hơn, giúp truyền kháng thể cho nhiều người hơn trong khu vực, kết hợp với tỷ lệ tiêm vaccine đang tăng lên.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trong khu vực hiện nay vẫn khiến các nhà hoạch định chính sách khó coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, giống như như sốt phát ban hoặc sốt vàng da.
Chỉ có một phần ba hoặc khoảng 180 triệu người Indonesia đã tiêm chủng đầy đủ. Ở Thái Lan, con số đó là 60%.

Indonesia đã nâng yêu cầu cách ly từ 3 ngày lên 10 ngày đối với khách du lịch. Chính phủ nước này cũng đã khuyến cáo khoảng 4 triệu công chức của đất nước không nên đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ.

Ông Peter Mumford cho biết: “Một số quốc gia Đông Nam Á chưa đạt mức tiêm chủng đủ để coi COVID-19 là đặc hữu. Triển vọng vẫn chưa chắc chắn”.

Phản ứng tại Đông Nam Á đối với biến thể Omicron:

-   Các quốc gia Đông Nam Á đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 10 quốc gia ở vùng phía Nam châu Phi, mặc dù Campuchia đã dỡ bỏ quyết định này vào ngày 6-12. 
-    Malaysia tạm dừng các kế hoạch lập hành lang du lịch dành cho người hoàn thành tiêm chủng với các nước ca nhiều ca nhiễm Omicron.
-    Singapore siết chặt yêu cầu sàng lọc với hành khách nhập cảnh, đóng băng hàng lang du lịch với UAE, Saudi Arabia và Qatar. 
-    Indonesia nâng gấp đôi số ngày cách ly bắt buộc từ 3 ngày lên 7 - 10 ngày. 
-   Thái Lan yêu cầu du khách phải ngủ ít nhất 1 đêm tại khách sạn cách ly để chờ kết quả xét nghiệm. 

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)