Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu -Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (ĐH Kinh tế Quốc dân) thì có một thực tế là sinh viên lựa chọn ngành nghề theo cảm tính, có những em không xác định rõ ngành học phù hợp khi trúng tuyển đại học.
Điều này dẫn đến việc khi các em vào học đại học rồi mới thấy lựa chọn của mình chưa hợp lý. Dự thảo quy chế mới mở ra cơ hội chuyển ngành, chuyển trường cho sinh viên nếu đáp ứng các quy định.
Cụ thể, Điều 16 của dự thảo quy chế tuyển sinh mới nêu các điều kiện để sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo (hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính); chuyển trường; chuyển từ hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo; công nhận kết quả học tập hoặc chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy đối với sinh viên thuộc các trường hợp này.
Sinh viên được xem xét chuyển ngành, chuyển trường, chuyển nơi học, ngoại trừ sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa.
Ảnh minh họa
“Tôi nghĩ quy định cho học sinh được chuyển ngành, chuyển cơ sở đào tạo là đúng đắn vì như tôi nói ở trên, nhiều sinh viên chọn ngành theo cảm tính, đến khi học mới biết nó không hợp với mình.
Việc cho sinh viên chuyển ngành đảm bảo quyền lợi cho sinh viên vì năm thứ nhất, chủ yếu học các môn đại cương, các ngành có sự tương đồng, nhờ đó, việc học tập ở ngành mới, trường mới từ năm thứ hai sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều”, PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Đề thi với mục tiêu kiểm tra kiến thức tối thiểu của học sinh để xét tốt nghiệp nhưng có độ khó, độ phân hóa nhất định để các trường sử dụng có thể dùng kết quả này xét tốt nghiệp. Đề thi sẽ không ra những kiến thức đã giảm tải, phù hợp với chương trình giảm tải.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành sư phạm và nhóm ngành khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề; các trường đại học cũng sẽ công bố điều chỉnh ngưỡng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.
Đây là thời điểm rất quan trọng, sau khi biết điểm thi THPT, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sao cho phù hợp với khả năng, mức điểm của mình và mong muốn của bản thân.
Theo dự kiến, quy chế tuyển sinh năm nay sẽ cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần bằng hình thức trực tuyến trong thời gian quy định của Bộ GD&ĐT thay vì như năm ngoái thí sinh chỉ được điều chỉnh duy nhất một lần. Thí sinh phải đăng nhập hệ thống bằng tài khoản của mình để thực hiện điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến.
Các trường trong xét tuyển đợt 1 đều xét bình đẳng các nguyện vọng đăng ký của thí sinh từ cao xuống thấp, không phân biệt thứ tự nguyện vọng, dựa theo mức điểm của thí sinh đến khi đủ chỉ tiêu.
Do vậy các thí sinh cần xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ cao xuống thấp, nguyện vọng số 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất để trúng tuyển vào trường mình yêu thích ngay từ nguyện vọng đầu tiên.
Khi đã trúng tuyển nguyện vọng nào thì các nguyện vọng thí sinh không được xét tuyển nữa. Hiện nay rất nhiều trường xét tuyển học bạ, nếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức này và trúng tuyển, các trường nhập dữ liệu thí sinh lên hệ thống thì thí sinh sẽ mất cơ hội xét tuyển các hình thức khác và các nguyện vọng bổ sung nên các em cần lưu ý.
Theo HOÀNG THANH (Vietnamnet)