Du lịch - động lực phát triển của tỉnh

25/01/2021 - 06:20

 - Giai đoạn 2021-2025, du lịch (DL) tiếp tục được xác định là động lực phát triển của tỉnh An Giang. Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành DL tỉnh cần những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng ĐBSCL.

Giai đoạn 2015-2020 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành DL An Giang, với 38 triệu lượt khách DL. Trong đó, khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn trên 2 triệu lượt; khách quốc tế ước khoảng 380.000 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động DL đạt trên 21.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ doanh nghiệp (DN) DL đạt 3.300 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 5,4%); doanh thu xã hội từ hoạt động DL đạt gần 18.000 tỷ đồng. Đây là những con số “biết nói”, khẳng định An Giang ngày càng được du khách trong và ngoài nước chọn là điểm đến trong hành trình về miền Tây.

An Giang hiện có 97 cơ sở lưu trú DL (trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao), 13 công ty lữ hành (11 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 2 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa), 15 địa điểm tham quan (trong đó, có 1 Khu DL quốc gia núi Sam, 2 khu DL cấp tỉnh và 2 điểm DL). Những năm qua, ngành DL phối hợp các sở, ngành tỉnh tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động về phát triển hạ tầng DL kết nối các khu, điểm DL trọng điểm, khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh ngành DL; góp phần nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển DL. Đồng thời, mời gọi được nhiều nhà đầu tư vào Khu DL núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư... tạo thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ du khách. Hoạt động liên kết phát triển dịch vụ phục vụ DL đi vào chiều sâu và mở rộng; chất lượng hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh và con người An Giang tiếp tục được nâng cao.

Điểm du lịch Soài Chek (Tri Tôn)

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định ngành DL là động lực phát triển của tỉnh. Mục tiêu nhằm phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới, nhất là tại các vùng DL trọng điểm.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành DL tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh đặc thù của DL An Giang, phát triển đồng bộ các loại hình DL tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu DL trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược theo Chương trình hành động về phát triển hạ tầng DL tỉnh An Giang giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, rà soát, lập quy hoạch các khu, điểm của vùng Bảy Núi có khả năng phát triển DL, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch những khu, điểm DL trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng và phát triển nhiều sản phẩm DL của tỉnh.

Rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên)

Tiếp tục kêu gọi các tập đoàn, DN DL lớn đầu tư hoàn chỉnh các khu chức năng theo quy hoạch tại 2 khu DL trọng điểm, gồm: Khu DL quốc gia núi Sam và Khu DL núi Cấm. Xúc tiến quảng bá và mời gọi đầu tư một số điểm DL còn nhiều tiềm năng, như: Khu DL Thoại Sơn, Khu DL sinh thái Mỹ Hòa Hưng, Khu DL 3 xã cù lao Giêng... nhằm khai thác đặc trưng riêng của từng địa phương, phát triển thành những sản phẩm DL để hình thành “Mỗi địa phương là một điểm đến”.

TP. Châu Đốc tiếp tục phát triển trở thành trung tâm kết nối tuyến DL của An Giang, hình thành tuyến DL đường thủy từ TP. Hồ Chí Minh - TX. Tân Châu - TP. Châu Đốc và tuyến DL đường bộ Khu DL núi Cấm, điểm DL rừng tràm Trà Sư, đồi Tức Dụp, Óc Eo, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng... Tiếp tục nâng tầm các hoạt động lễ hội, văn hóa trở thành sản phẩm DL để nối kết các DN lữ hành duy trì thường xuyên các tour DL đến An Giang.

Đồi Tức Dụp (Tri Tôn). Ảnh: Thanh Hùng

Tiếp tục đổi mới công tác quảng bá hình ảnh DL và con người An Giang; đa dạng hóa hình thức thông qua nhiều kênh truyền thông, các hoạt động trực tiếp và gián tiếp. Khai thác tốt các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, các chương trình lễ hội để truyền tải nội dung quảng bá đến khách DL trong và ngoài nước. Chủ động kết nối, hợp tác với các cơ quan truyền thông uy tín, các tổ chức xúc tiến DL chuyên nghiệp tư vấn hỗ trợ hoạt động xúc tiến và quảng bá hình ảnh DL đạt hiệu quả. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện về DL để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, góp phần xây dựng “ngành công nghiệp không khói” ngày càng phát triển, thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.

THU THẢO