Du lịch Việt Nam kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024

13/02/2024 - 15:41

Với sự bứt tốc ấn tượng của ngành Du lịch từ cuối năm 2023, đặc biệt là những tín hiệu khởi sắc trong đầu năm mới 2024 là tiền đề để du lịch Việt Nam bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, du lịch toàn cầu chỉ phục hồi ở mức gần 90% so thời điểm trước dịch, tuy nhiên, khu vực châu Á phục hồi chậm nhất, chỉ đạt mức 62%. Ở trong nước, tình hình kinh tế-xã hội có xu hướng phục hồi tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song những nỗ lực của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đóng góp vào thành công chung của ngành Du lịch trong năm 2023: Đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so kế hoạch năm 2023.

Nỗ lực phục hồi

Năm 2023, du lịch Việt Nam khẳng định vị thế là một trong những điểm đến được yêu thích hàng đầu thế giới. Với những nỗ lực không ngừng trong truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho đi lại du lịch…, Việt Nam đã vinh dự nhận hàng loạt giải thưởng danh giá từ các tổ chức quốc tế uy tín trên toàn cầu và nhiều lần được truyền thông báo chí quốc tế vinh danh, ca ngợi là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Trong đó đáng chú ý, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 5 liên tiếp được bình chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Với những nỗ lực nhằm xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi cho ngành Du lịch và thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của toàn ngành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã lần thứ 4 được trao danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”.

Năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, 108 triệu lượt khách nội địa. (Ảnh: PT)

Cùng với đó là nhiều hạng mục Giải thưởng hàng đầu Thế giới và hàng đầu châu Á dành cho các tập đoàn, doanh nghiệp, thương hiệu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như lữ hành, khách sạn, vui chơi giải trí, hàng không...

Không chỉ vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, các hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế cũng nhiều lần ca ngợi, vinh danh du lịch Việt Nam. Từ đó góp phần quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam đến với đông đảo du khách trên khắp thế giới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, năm 2023, bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Một số chính sách đã được ban hành, góp phần tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch. Theo đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, doanh nghiệp tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Các vấn đề tạo thuận lợi cho du khách quốc tế chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực. Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện.

Du lịch được đặt trong tổng thể phát triển với văn hóa đối ngoại, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, hoạt động thể thao, xúc tiến đầu tư thương mại. Các sự kiện du lịch được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, có sức hấp dẫn, lan tỏa, nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, đóng góp của du lịch đã chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách quốc tế đến phục hồi tương đối chậm so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, việc kết nối, khai thác thị trường mới, tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Kết nối, khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước COVID-19 vẫn chậm. Quản lý điểm đến tại một số nơi còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam. Việc truyền thông, cập nhật, quảng bá thông tin về quy định mới còn hạn chế, thiếu kịp thời tại thị trường nguồn quốc tế do thiếu văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện tại nước ngoài...

Xúc tiến, quảng bá tích cực để đón 18 triệu lượt du khách quốc tế

Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Du lịch cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch...

Du khách quốc tế trải nghiệm gói bánh chưng trong dịp Tết cổ truyền tại Việt Nam. (Ảnh: PT)

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong năm 2024, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ ITB tại Berlin (Đức), Hội chợ du lịch quốc tế tại Hàn Quốc, Hội chợ ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), Hội chợ du lịch thế giới (WTM)... Cùng với đó là các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nước ngoài, dự kiến tại Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ...

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí, người có tầm ảnh hưởng quốc tế tại một số thị trường du lịch trọng điểm khảo sát du lịch, gồm các đoàn Famtrip, báo chí thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), ASEAN, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới..., đòi hỏi việc quảng bá, xúc tiến cũng phải được đổi mới để phù hợp với thực tiễn./.

Theo PHƯƠNG THẢO (Dangcongsan.vn)