Du ngoạn hồ ông Thoại

20/12/2024 - 06:56

 - Hồ Ông Thoại tọa lạc dưới chân núi Sập (huyện Thoại Sơn) có diện tích mặt nước rất rộng, ôm ấp xung quanh dãy núi. Hồ nước trời này trông giống “Vịnh Hạ Long”, không nơi nào ở miền Tây sở hữu được.

Hồ Ông Thoại 1 có phong cảnh rất đẹp

Hồ cá kỳ bí

Quanh năm, trên núi Sập mây mù lãng đãng soi bóng mặt hồ xanh trong. Dưới nước, cá ngớp bóng tăm, gợn sóng lăn tăn, đằng xa chuông chùa đồng vọng, làm cho chốn núi non càng trở nên an yên, tịch tĩnh. Khi dừng chân ghé lại nơi cõi thiền này, du khách cứ ngỡ lạc vào chốn bồng lai. Hôm vào cổng Thiền viện Trúc Lâm, chúng tôi đi thẳng ra phía sau khuôn viên là tới hồ Ông Thoại 2. Ngước nhìn lên trên là vách đá dựng đứng, cây, cỏ mọc bám núi xanh um, trông như hòn non bộ. Bước xuống bậc thềm, đã thấy nhiều du khách đến đây từ trước. Họ quăng từng nắm thức ăn xuống hồ, đàn cá koi, cá chép, cá trê, cá tra bu kín mặt nước đớp mồi, tạo nên sức hút đối với đông đảo lữ khách. 

Nhìn về phía bên kia bờ hồ, trông khá yên ắng, chúng tôi quyết tâm đánh một vòng để khám phá. Từ đây, nhìn chiếc hồ rất rộng, trải dài mút tầm mắt. Chúng tôi vô tình thấy chiếc hang đá to, bên trong tối sầm. Bỗng chốc có vài con dơi bay lờn vờn trong hang ra. Thời quá khứ, hồ Ông Thoại từng là nơi khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Nguồn đá khai thác sâu dần, sau này, người dân xả nước vào, tạo thành chiếc hồ rộng lớn. Dần dà, cá theo nguồn nước vào hồ, rồi lớn nhanh trong môi trường tự nhiên. Bà con sống quanh khu vực hồ Ông Thoại cho hay, phía dưới hồ, người ta có làm đường cống để nước có thể vào bên trong hồ.

 Vào mùa nước lũ, những con cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ trôi dạt vào hồ, rồi lớn dần. Hồ có nơi sâu đến vài chục mét nước, tạo thành nơi trú ẩn an toàn cho cá. Chúng tôi cuốc bộ lên chùa Thành An nằm trên núi Sập để tìm một góc nhìn rõ hơn khu vực lòng hồ. Đứng trên mõm đá cheo leo, nhìn được toàn cảnh hồ Ông Thoại, Thiền viện Trúc Lâm, trông như bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp. Mùa này, gió bấc thổi vi vu. Cạnh đó, chú tiểu đang trực gõ đại hồng chuông liên hồi. Tiếng chuông ngân vang khắp núi Sập. Dưới hồ sâu, có cá to ngoi lên ngớp vẫy nước ầm ào, quầng nước lan rộng khắp mặt hồ. Người dân trên núi cho hay, trước đây, dưới hồ có chiếc hang rộng, đó là nơi trú ẩn của loài “thủy quái”. Có vài thanh niên vào câu, bị cá lôi xuýt té xuống hồ. Từ đó, không ai dám đến đây câu nữa.

Hiện nay, dưới lòng hồ Ông Thoại vẫn còn nhiều loài “thủy quái” trú ngụ giữa hồ. Nhờ có đàn cá koi, cá chép, cá trê bơi rảo quanh khu vực phía sau Thiền viện Trúc Lâm đã tạo nên sức hút đối với du khách và phật tử khắp nơi đến đây cúng dường. Điều đặc biệt, những con cá vồ cờ, cá tra dầu, cá trê to hơn 10kg bám theo đàn cá koi tranh giành thức ăn, tạo thêm sinh động, phong phú trên mặt hồ. Nhìn xa, ngoài hồ nước trời, du khách còn thấy những con cá hô, cá tra khổng lồ ngoi lên mặt nước ngóp, rồi biến mất nơi nước sâu đã viết tiếp những câu chuyện kỳ bí tại nơi cửa thiền thêm muôn màu, muôn vẻ.

Cần tôn tạo cơ sở vật chất

Tiếp tục rảo một vòng dưới chân núi Sập, du khách sẽ đến hồ Ông Thoại 1, rộng khoảng 100.000m2, trông như một bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Người dân xung quanh hồ Ông Thoại nhớ lại, xa xưa, tại khu vực này là công trường được bà con khai thác mỏ đá làm cối xay bột, cối giã, điêu khắc bia, nống đá. Dần dà, tạo thành hồ nhân tạo rộng lớn chưa no nước. Bên trong lòng hồ Ông Thoại có vài ốc đảo đá còn sót lại, được kết nối bởi cầu Mai An Tiêm, cầu Khoa Bảng, cầu Vọng Nguyệt, tô thắm thêm vẻ đẹp tự nhiên tại khu du lịch này. Tại phía Nam lòng hồ, có xây dựng mô hình chùa Một Cột, với lối kiến trúc cổ kính, trầm mặc. Càng ấn tượng hơn với điểm nhấn của lòng hồ là có bức tượng của danh thần Thoại Ngọc Hầu được xây giữa hồ. Với thế đứng hiên ngang, lưng tựa núi, tay chỉ về phía kênh Thoại Hà, tạo nên hào khí ngút trời. Từ đó, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi công lao to lớn của bậc tiền nhân một thời khai hoang lập làng nơi đây.

Tuy nhiên, hiện nay, khu vực hồ Ông Thoại, cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch đang xuống cấp. Hôm đến đây vào dịp cuối tuần, chúng tôi không thấy du khách nào đến hồ Ông Thoại thưởng ngoạn. Rảo một vòng quanh hồ, thật ngỡ ngàng trước cánh cổng, hàng rào quanh khu vực lòng hồ đã cũ kỹ, hoen gỉ, dưới hồ những phương tiện phục vụ du khách đã cũ, không còn sử dụng được. “Lâu lâu, mới có đoàn khách ghé xem hồ Ông Thoại! Thế nhưng, họ vào rồi ra liền, bởi không có trò chơi” - một người dân cho hay. Đến quầy bán vé hỏi nhân viên thì được biết, hồ Ông Thoại mở cửa bán vé phục du khách tham quan từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần. Thông thường, du khách đến đây vào cuối tuần, nhưng ngày càng ít dần. Cơ sở vật chất phục vụ du khách đã xuống cấp, chưa có kinh phí cải tạo, sửa chữa. Ngày trước, mỗi khi vào tham quan hồ Ông Thoại, du khách sẽ bị cuốn hút bởi mô hình đạp vịt bơi trên mặt hồ thưởng ngoạn. Thế nhưng, hiện nay, các phương tiện này đã không còn đảm bảo chất lượng để phục vụ du khách.

Hy vọng, trong tương lai gần, địa phương quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hồ Ông Thoại để nơi đây thực sự trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

HOÀNG MỸ