Dư vị ngày Tết

23/01/2023 - 08:02

 - Ngày Tết khác xa với ngày thường, nên mới gọi là Tết. Từ thuở nhỏ, tôi đã nhận ra nhiều chuyện đổi thay trong những ngày Tết nhưng không thể lý giải, chỉ cảm thấy thích thú và nôn nao hòa vào không khí đó mà tận hưởng.

Gần Tết, mọi người hối hả, nhà cửa sơn mới, quét dọn sạch sẽ, trang trí sáng sủa. Ngày mùng 1, bình minh rực sáng, người người ra đường trong bộ quần áo mới, gương mặt cũng mới và rạng rỡ hơn. Lũ trẻ nhà quê xúng xính trong bộ đồ mặc lần đầu, cảm thấy tâm hồn mình mới tinh. Quả là, năm mới cái gì cũng mới, tới cây cột nhà cũng mới với tấm liễn đỏ, con bò trong chuồng cũng mới với đôi sừng dán giấy đỏ.

Có những món ăn rất cũ, cũ đến hàng trăm năm, xuất hiện trong mỗi gia đình vào dịp Tết. Cũ quá thể nhưng không thể thiếu, thiếu nó là không ra Tết, kỳ diệu thay những tập tục tưởng là cổ hủ nhưng mỗi lần đến Tết lại mới mẻ rất diệu kỳ.

Ở miền Nam, bánh tét được chuẩn bị từ những ngày cuối tháng Chạp. Từ việc tìm lá chuối lành về rọc ra phơi dôn dốt, lấy cọng chẻ nhỏ phơi khô làm dây cột, rồi chọn nếp dẽo cho bánh thơm ngon, được mấy bà, mấy cô nội trợ tìm lo trước cả tuần.

Đến những ngày giáp Tết là xúm lại gói, cột, nấu cho tới nửa đêm. Bánh tét có nguồn gốc từ bánh chưng của miền Bắc, nhưng trên đường theo gót chân người vào Nam khẩn hoang mở cõi, người ta cải tiến hình thức từ vuông ra tròn dài để tiện mang, gánh bên mình.

Bánh tét đã trở thành món truyền thống của người Nam Bộ để cúng ông bà, đãi khách và thưởng thức trong 3 ngày tết. Bánh tét nấu chín để được 5-7 ngày nên cứ thong thả đi chơi xuân, về nhà đói bụng có sẵn bánh lấy ra ăn.

Nhưng nói thật, bánh tét dùng trong mấy ngày Tết chưa chắc ngon, bởi vì đi tới đâu, đến nhà nào cũng gặp bánh tét nên hơi ngán. Sau Tết một thời gian, có được đòn bánh tét ăn mới biết đã. Bây giờ, bánh tét người ta bày bán quanh năm, muốn lúc nào cũng có, không phải thèm như ngày xưa phải đợi đến tết hoặc lễ lộc mới được ăn.

Một món nữa không thể thiếu trong các gia đình miền Nam đón Tết là thịt kho hột vịt. Miếng thịt có một phần ba là da và mỡ, kho rệu với nước dừa rồi hột vịt luộc chín sẵn thả vô. Kho lâu cho thấm gia vị cùng nước mắm ngon, thịt vừa bùi vừa béo, vừa mềm rệu tươm mỡ trong miệng thì còn gì tuyệt bằng.

Lâu lâu nhấn nửa cái hột vịt đượm mùi nước thịt đưa vào miệng nhai nhai là ngất ngây luôn. Nhà nào cũng chuẩn bị nồi thịt kho hột vịt cho 3 ngày tết, cứ đi chơi đã rồi về bắt nồi thịt hâm nóng lên ăn, chớ không cần nấu nướng gì thêm. Nồi thịt kho hâm đi hâm lại càng ngon, đậm đà hương vị.

Anh em chúng tôi mãi đi vui xuân, sáng thức dậy có bánh tét mà ăn, có khi kèm theo vài miếng thịt kho hoặc dùng với dưa chua xì dầu, ngon lắm. Trưa chiều về, má tôi nấu sẵn nồi cơm, múc thịt kho hột vịt ra ăn với dưa cải muối chua, no bụng rồi đi chơi tiếp. Nếu không có cơm, mua ổ bánh mì về chấm với thịt kho rệu ăn biết đã.

Thậm chí, thịt kho chan bún ăn cũng ngon. Nồi thịt kho hột vịt mùa Tết thật độc đáo, đa dạng cho người dùng, rất tiện lợi trong những ngày chợ nghỉ bán và chẳng phải mất thời giờ nấu nướng. Mẹ tôi làm một hủ dưa cải chua để ăn với thịt kho hoặc xào hột vịt.

Bánh tét, thịt kho hột vịt, cải muối chua… để dành được nhiều ngày nên nhà nào cũng chọn làm món ăn mùa tết. Thời xưa, chợ búa, hàng quán nghỉ tới mùng 5, mùng 7, chớ không bán sớm như bây giờ, nên các món này rất thức thời. Người ta đã phả vào nó hương vị ngày xuân càng lúc càng đậm đà, thành những món truyền thống trong ẩm thực vui Tết.

Nó đã đi vào ký ức từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một thói quen rất ý nghĩa cho tới bây giờ và đã hóa thành tình cảm trong tâm hồn người Việt miền Nam. Dù ngày nay thức ăn đã được chế biến rất đa dạng, đủ hình đủ kiểu, đủ màu sắc với trăm ngàn hương vị khác nhau nhưng vẫn không thể thay thế những món truyền thống trong dịp Tết.

Món ăn dù ngon đến cỡ nào ăn hoài cũng ngán, nên tôi thích dư vị hơn là hương vị. Qua tết rồi, còn sót lại đâu đó vài khoanh bánh tét, dĩa thịt kho cuối cùng dưới đáy nồi, ăn mà biết đã.

TRỊNH BỬU HOÀI