Vương quốc Phù Nam có một nền thương nghiệp phát triển mạnh mẽ trong nội địa và cả vùng Đông Nam Á. Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển mạnh ở khu vực đồng bằng Nam Bộ, niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret qua nghiên cứu không ảnh đã xác định được dấu vết của thành phố cổ Óc Eo. Qua khai quật khảo cổ, Louis Malleret đã xác định được vòng thành cổ và nhận định, đây là một đô thị cổ, hay còn gọi là thị cảng Óc Eo.
Tên gọi Óc Eo được ông Louis Malleret đặt theo tên địa điểm gò Óc Eo ở huyện Thoại Sơn, khi di tích này được phát hiện và công bố năm 1942. Gần đây, trong giai đoạn 2017-2020, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã triển khai đề án cấp quốc gia “Nghiên cứu khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” để khai quật, nghiên cứu và cung cấp luận cứ cho hồ sơ di sản khu di tích Óc Eo - Ba Thê.
Đến nay, đề án nói trên đã hoàn thành công tác khai quật và nghiên cứu sơ bộ, có những kết quả bước đầu rất khả quan. Với những giá trị vô cùng đặc biệt của di tích Óc Eo - Ba Thê, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm. Dù rằng, đề án mới chỉ hoàn thành xong nhiệm vụ khai quật, còn rất nhiều việc phải làm trong công tác chỉnh lý hậu khai quật và nghiên cứu chuyên sâu đối với khối lượng tư liệu khổng lồ được khai quật, nhưng qua đánh giá sơ bộ có thể nhận định, các nghiên cứu mới đã từng bước phác họa các phân khu chức năng của đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê và những mối quan hệ văn hóa với nhiều khu vực trên thế giới lúc bấy giờ.
Các nhà khoa học tham dự tọa đàm khoa học quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê
Theo các nhà khoa học, hiện nay, các nghiên cứu mới đã cho thấy rõ nét hơn về 2 thành tố tạo dựng nên diện mạo khu đô thị cổ nơi đây với “không gian thiêng”, là nơi xây dựng các kiến trúc tôn giáo lan rộng trên sườn núi Ba Thê cùng với các khu kiến trúc tôn giáo và cư trú nằm ven 2 bờ của dòng kênh cổ Lung Lớn. Trong số các kết quả đó, nổi bật lên vai trò của tuyến giao thông thủy Lung Lớn, vốn rất quan trọng với vai trò liên kết khu vực nội địa và thế giới bên ngoài, thông qua các tuyến thương mại hàng hải diễn ra rất sôi động thời bấy giờ.
Sau khi di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Thông báo số 102-TB/TW ngày 21-9-2012 về nghiên cứu, bảo tồn và lập hồ sơ bảo vệ di sản văn hóa thế giới đối với văn hóa Óc Eo. Sau đó, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã chỉ đạo quyết liệt cho công tác này ngay từ đầu năm 2013.
Tháng 1-2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ VH-TT&DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 09/TB-VPCP ngày 14-1-2021 giao Bộ VH-TT&DL hướng dẫn cho tỉnh An Giang lập hồ sơ đề cử di sản văn hóa thế giới cho quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê. Ngày 29-4-2021, UBND tỉnh An Giang phối hợp Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tổ chức tọa đàm khoa học quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (quy trình đề cử UNESCO ghi danh di sản văn hóa thế giới).
Đại biểu tham dự tọa đàm đã dành nhiều thời gian thảo luận về giá trị nổi bật toàn cầu của di tích, trong đó cần xác định các vấn đề chính yếu, như tên gọi di sản được đề cử, loại hình di sản (lựa chọn loại hình di sản được đề cử như là một di sản văn hóa thể hiện sự sáng tạo của con người, di sản đô thị). Đồng thời thảo luận về tiêu chí (lựa chọn tiêu chí trong 6 tiêu chí mà Công ước Di sản thế giới quy định).
Buổi tọa đàm còn bàn về tính xác thực và toàn vẹn của di sản, như: hiện trạng tồn tại của di sản và tính toàn vẹn của di sản được đề cử. Cùng với đó là xác định nguồn vốn phù hợp để xây dựng hồ sơ đề cử quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, với những giá trị vô cùng đặc biệt của di tích Óc Eo - Ba Thê, trên cơ sở các ý kiến thảo luận trong buổi tọa đàm, tỉnh An Giang sẽ chủ động đề cao trách nhiệm của mình theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm hoàn thiện hồ sơ, trước mắt là hồ sơ đề cử UNESCO theo Công ước di sản văn hóa thế giới quy định; đồng thời chủ động, tích cực hợp tác, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước tiếp cận, nghiên cứu những vấn đề khoa học liên quan đến văn hóa Óc Eo tại địa phương.
PHƯƠNG LAN