Đưa hơn 300 km cao tốc vào khai thác, thêm không gian phát triển

27/04/2023 - 14:00

Những ngày này, không khí hân hoan Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước tràn ngập khắp mọi nẻo đường trong niềm vui, tự hào của nhân dân cả nước. Niềm vui, niềm tự hào ấy còn được nhân lên khi ngày 29/4 và ngày 19/5 tới đây, Bộ Giao thông vận tải chính thức đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài hơn 300km, gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45 ở phía Bắc, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Nha Trang - Cam Lâm ở phía Nam vào khai thác.

Các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đều chung nhận định, 4 tuyến cao tốc trên khi đưa vào khai thác sẽ mở cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà chuyển dịch kinh tế, đánh thức tiềm lực cho các địa phương.
 
Thêm động lực phát triển

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều rộng 4 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Tại khu vực phía Bắc, cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội với các tỉnh bắt đầu từ tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Cao Bồ - Ninh Bình. Đầu năm 2022, tuyến cao tốc này được kéo dài hơn 15 km khi kết nối với dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (đoạn tuyến cao tốc đầu tiên của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020).
 
Với hơn 63 km của dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 chính thức đưa vào khai thác ngày 29/4 tới sẽ tạo ra tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông kết nối từ thủ đô Hà Nội đi các tỉnh miền Trung có chiều dài khoảng 160 km. Như vậy, thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đi Thanh Hóa sẽ được rút ngắn còn khoảng 2 giờ khi đi trên cao tốc thay vì hơn 3 giờ nếu đi Quốc lộ 1 như hiện nay.
 
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, là trục giao thông huyết mạch trong hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam, việc đưa cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 sau hơn 2 năm triển khai vào khai thác cùng với các đoạn tuyến được đưa vào khai thác trước đó sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa, cũng như các địa phương lân cận và cả nước nói chung. Tuyến đường này giúp giao thương giữa các tỉnh thuận tiện và nhanh chóng, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển; góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1…
 
Cụ thể, dự án góp phần tăng cường năng lực vận tải và kết lối giữa hành lang phía Nam của tam giác phát triển kinh tế phía Nam đồng bằng Bắc Bộ (gồm Hà Nội – Hà Nam – Hưng Yên – Nam Định – Ninh Bình) với khu vực Bắc Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An…).
 
Cùng với đó, tạo điều kiện liên kết với khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính, khu danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa).
 
Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế nhận định, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và thuận tiện chính là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp tại các tỉnh có cao tốc đi qua.
 
Là một địa phương được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông phát triển, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, cùng với cao tốc Cầu Giẽ - Nình Bình kết nối với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn – Quốc lộ 45, hứa hẹn du khách đến với các khu du lịch Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc, Bích Động ngày càng tăng. Từ giao thông, du lịch, GRDP của tỉnh cũng hứa hẹn có động lực mới phát triển. Đặc biệt khi Mai Sơn - Quốc lộ 45 được thông tuyến sẽ mở ra sự liên kết du lịch giữa các địa phương, đặc biệt là với tỉnh Thanh Hóa.
 
Anh Hoàng Văn Tấn, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), lái xe khách tuyến Hà Nội – Ninh Bình và Thanh Hóa nhận định, với hơn 63km cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 được đưa vào khai thác sẽ giúp nhà xe thuận lợi hơn trong kinh doanh với đường thông thoáng hơn và thời gian rút ngắn được nhiều; phương tiện lưu thông cũng êm thuận hơn…
 
Trong khi đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, lưu thông trên trục cao tốc kết nối từ Hà Nội đi Thanh Hóa sẽ giúp chủ doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được tối đa nhiên liệu, giảm thiểu chi phí đi lại (12-15%) so với lưu thông trên tuyến quốc lộ cũ. Đặc biệt, tuyến cao tốc góp phần giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.
 
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam dự báo, lưu thông trên tuyến cao tốc từ Hà Nội đi Thanh Hóa, các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được 20-30% chi phí gồm: chi phí xăng dầu, khấu hao… Qua đó, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa...
 
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Khiên nhìn nhận, với việc tiết kiệm về thời gian lưu thông trên cao tốc, các doanh nghiệp vận tải có thể tăng tần suất chạy xe, qua đó, phát huy hiệu quả về năng lực vận tải. Đặc biệt, cao tốc đưa vào sử dụng cũng khuyến khích nhiều đơn vị tham gia khai thác, nâng cao yếu tố cạnh tranh, do vậy, càng có thêm điều kiện để giảm giá cước và tăng chất lượng phục vụ hành khách. Cước vận tải giảm xuống góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Thêm không gian phát triển cho các tỉnh phía Nam

Điểm cuối cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Đối với khu vực phía Nam, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – một trong những khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế quốc dân. Ngày 30/4 tới, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây sẽ được đấu nối với các đoạn cao tốc (Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết) tạo ra tuyến cao tốc liên hoàn từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Thuận dài hơn 250 km, rút ngắn cự ly và thời gian đi lại giữa TP Hồ Chí Minh với Phan Thiết chỉ 2,5 giờ thay vì 4 giờ, từ đó, mở ra nhiều cơ hội và không gian phát triển kinh tế - xã hội mới cho các địa phương.
 
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc đưa 2 dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây kết nối vào tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây sẽ khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương trong vùng, là nhân tố tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương dọc tuyến nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung (gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa–Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bình Phước...; trong đó, lĩnh vực vận tải và du lịch sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
 
Khi giao thông thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải tăng cường khả năng quay vòng xe, khả năng lưu thông hàng hóa và vận chuyển hành khách giữa các tỉnh, thành trong khu vực, đặc biệt là hàng hóa từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đến các khu công nghiệp ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), cũng như vận chuyển hành khách từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh đến các địa danh du lịch như Mũi Né (Phan Thiết). Từ đó, doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa địa phương nói riêng và hàng hóa Việt nói chung…
 
Nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP Hồ Chí Minh cho hay, với 2 đoạn tuyến dài 200 km đưa vào khai thác sắp tới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Nếu hàng hóa trước đây lưu thông từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung phải đối diện với tuyến Quốc lộ 1 thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc, làm hàng hóa hư hỏng do thời gian vận chuyển kéo dài thì nay, tuyến cao tốc được kết nối liên hoàn sẽ khắc phục được tình trạng này, bảo đảm các đơn hàng được giao nhận đúng cam kết. Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển hàng hóa cũng được kéo giảm đáng kể.
 
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây kết nối với 2 cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết sẽ mở ra bước đột phá mới trong rất nhiều lĩnh vực; trong đó, vận tải và du lịch sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đối với người dân trực tiếp đi trên tuyến đường này cũng có cảm giác thoải mái, an toàn khi tham gia giao thông. Từ mối quan hệ tương hỗ, giao thương qua lại ở những địa phương thuộc khu vực Ðông Nam Bộ cũng như các địa phương khác sẽ trở nên nhộn nhịp hơn, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân địa phương khi các lĩnh vực, ngành nghề được kích thích phát triển nhờ hạ tầng giao thông được kết nối và hoàn thiện.
 
Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có những dự án giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chuẩn bị khánh thành; cùng với đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú đang chuẩn bị đầu tư. Các dự án này được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới để tỉnh Đồng Nai bứt phá mạnh mẽ, đồng thời, giúp Đồng Nai trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
"Bên cạnh đó, tuyến cao tốc hứa hẹn có tác động thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp của Đồng Nai và Bình Thuận, từ đó, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương dọc hai bên tuyến cao tốc", ông Nguyễn Bôn dự báo.
 
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) nhìn nhận, là địa phương được hưởng lợi khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào khai thác, đặc biệt là huyện Xuân Lộc có hai nút giao từ cao tốc xuống sẽ mở ra không gian phát triển công nghiệp, du lịch cho huyện. Trên địa bàn đã xây dựng khu công nghiệp Xuân Lộc và quy hoạch một số khu công nghiệp khác hứa hẹn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến địa phương tìm hiểu khi cao tốc hoàn thành.
 
Đón bắt cơ hội khi cao tốc hoàn thành, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, tỉnh đã quy hoạch các cụm công nghiệp Sông Quế, Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, kết nối giao thông vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cụm Khu công nghiệp Phước Bình kết nối ra Quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… Đặc biệt, dự án sân bay Long Thành sẽ thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước, hình thành các khu đô thị hiện đại.
 
Trong khi đó, ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho rằng, việc cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây được thông tuyến giúp xích lại gần hơn giữa Bình Thuận, Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho du khách từ TP Hồ Chí Minh cũng như các nhà đầu tư kinh doanh tới Bình Thuận thuận lợi hơn nhiều. Nắm bắt cơ hội này, nhiều nhà đầu tư đã về Bình Thuận để tìm cơ hội đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Để phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường bộ cao tốc, tỉnh Bình Thuận đồng thời triển khai nâng cấp hạ tầng địa phương để tạo ra sự kết nối giao thông đồng bộ.
 
Mới đây, 8 km đầu tiên của dự án làm mới trục đường ven biển ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà vừa được thông xe kỹ thuật, kịp phục vụ hạ tầng cho sự kiện Năm du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh" và tiếp tục tăng tốc để sớm hoàn thiện, đồng bộ kết nối khi các tuyến cao tốc đi vào vận hành. Việc Bình Thuận lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đặt mục tiêu đón 6,7 triệu lượt du khách trong năm 2023 là hoàn toàn có cơ sở đạt được.
 
Một lãnh đạo UBND tỉnh Khách Hoà cho hay, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác đúng Ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5 có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hoà. Cao tốc này cùng với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đầu năm 2024 sẽ giúp kết nối với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ thuận lợi hơn, từ đó, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, du lịch của địa phương thời gian tới.
 
Thực tiễn phát triển đã minh chứng "đại lộ sinh đại phú", đường mở đến đâu, dân giàu đến đó. Hạ tầng giao thông đang được tập trung cải thiện với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ là tiền đề, là bệ phóng đưa đất nước bứt phá trong thời gian tới.

Theo TTXVN