Đừng để tai nạn giao thông mãi là nỗi đau

27/09/2023 - 05:19

 - 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh An Giang xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 104 người và 83 người bị thương. TNGT đã và đang là nỗi đau, gánh nặng của nhiều gia đình, nỗi lo của xã hội…

Đối với gia đình anh Phạm Văn Hòa (sinh năm 1972, ngụ khóm 8, phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc), TNGT vẫn mãi là nỗi ám ảnh không nguôi. Hôm ấy, Phạm Huỳnh Lý (sinh năm 1992, thường trú 309B Tân An, phường Tân Hội, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) điều khiển môtô biển số 67L1-013.68 trong tình trạng có nồng độ cồn trong hơi thở 0,66mg/lít khí thở, lại không quan sát khi tham gia giao thông, đã gây tai nạn, làm anh Hòa bị chấn thương sọ não, với thương tật mang theo suốt đời.

Tương tự, một ngày giữa tháng 8/2023, tai nạn bất ngờ ập đến với bà Lâm Thị Kia (sinh năm 1950, thường trú ấp Phước Mỹ, xã Phước Hưng, huyện An Phú) khi bà đang đi bộ sang đường. Vì thiếu quan sát, Đỗ Thanh Nhanh (sinh năm 1952, thường trú khóm Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) điều khiển môtô biển số 67G1-621.09 lưu thông hướng Quốc Thái - Phước Hưng, đã tông trúng làm bà Kia bị chấn thương sọ não.

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh An Giang Lê Khiết Quang thông tin, 9 tháng của năm 2023, số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh tăng 18,2%, số người bị thương tăng 167,7% so cùng kỳ năm 2022. Qua phân tích, nguyên nhân các vụ TNGT phần lớn do người điều khiển phương tiện không ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, như: Chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện đang trong tình trạng có rượu, bia, đi sai phần đường, làn đường, tránh, vượt sai quy định, chuyển hướng không nhường đường, không chú ý quan sát…

Ngành chức năng tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật an toàn giao thông, nhưng số vụ tai nạn giao thông chưa giảm mạnh

Một kết quả điều tra xã hội học cho thấy, sự gia tăng tốc độ trung bình của phương tiện có liên quan trực tiếp đến khả năng xảy ra sự cố và mức độ nghiêm trọng của TNGT. Ví dụ, khi tăng 1km/giờ tốc độ xe trung bình sẽ tăng 3% tỷ lệ tai nạn dẫn đến chấn thương và tăng từ 4-5% trong tỷ lệ tai nạn chết người. Tài xế sau khi uống rượu hay bất kỳ chất kích thích thần kinh khác sẽ tăng nguy cơ tai nạn dẫn đến tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng so với người đang trong trạng thái bình thường. Còn khi đang lái xe sử dụng điện thoại di động, không chú ý quan sát, không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường nhánh hoặc khi điều khiển xe đi từ trong ngõ, đuờng nhánh, đường không ưu tiên ra đường chính… là nguyên nhân của những vụ tai nạn bất ngờ.

“Dù phải bận rộn mưu sinh, nhưng mỗi ngày tôi phải bỏ ra 4 “cuốc” xe để đưa đón con gái đi học cho an toàn. Những rủi ro khi đi đường là không thể nói trước được, bởi sự kém ý thức và chủ quan của một bộ phận người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, dễ dẫn đến nhiều vụ TNGT thương tâm” - anh Nguyễn Văn Tùng (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) tỏ vẻ lo lắng.

Để góp phần giảm số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng đã liên tục xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật ATGT, nhất là những lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT nghiêm trọng, chết người. Trong 9 tháng qua, cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3.474 trường hợp, số tiền thu qua kho bạc nhà nước trên 8,3 tỷ đồng, tạm đình chỉ 2.303 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 779 trường hợp… Tuy nhiên, TNGT ở các địa phương vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Ngày 21/9/2023, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động bảo đảm trật tự, ATGT, mong muốn tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, ATGT, kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, chương trình đã đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Tăng cường lãnh, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, ATGT; đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, ATGT.

 “Trong các giải pháp trên, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học, nội dung tuyên truyền phải có chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức của người tham gia giao thông, quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông; nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với biển số phương tiện giao thông. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang Lê Khiết Quang nhấn mạnh.

T.M