Dừng đến trường, không dừng học tập

17/11/2021 - 14:16

Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian dài, công tác giáo dục và đào tạo phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Thế nhưng, nhiều thầy, cô giáo trên khắp cả nước đã không quản ngại, vượt mọi khó khăn, tìm giải pháp phù hợp, tạo điều kiện tối đa để học trò “dừng đến trường, không dừng học tập”.

Đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng, nhưng phòng làm việc trong căn nhà nhỏ của thầy Bùi Thái Nam vẫn sáng đèn. Cố gắng gõ phím máy tính thật nhỏ, thầy vừa chấm điểm kiểm tra cho học sinh, vừa soạn bài giảng trực tuyến để các đồng nghiệp tham khảo. 15 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy giáo luôn nỗ lực hết sức vì thế hệ tương lai của mảnh đất quê vải. Từ khi mới ra trường, nhận nhiệm vụ đầu tiên năm 2002 tại Trường THPT Lục Ngạn số 2, thầy đã là hình mẫu lan tỏa tinh thần hiếu học, tình yêu tri thức. Dưới bàn tay dìu dắt của thầy, nhiều học sinh người dân tộc thiểu số đã giành các giải cấp tỉnh. Sau 5 năm, thầy giáo sinh năm 1984 được điều động về công tác ở Trường THPT Tân Yên số 1 (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) và gắn bó tới nay. Bằng tình yêu nghề cùng trình độ chuyên môn cao, thầy luôn được đồng nghiệp tín nhiệm, học trò yêu quý, trở thành giáo viên phụ trách đội tuyển học sinh giỏi, chủ nhiệm lớp chọn toàn trường, tổ trưởng toán-tin, đồng thời là Bí thư chi đoàn cán bộ giáo viên nhà trường.

Cô giáo Bành Ngọc Thủy (thứ 5 từ bên phải sang) và các học trò trong giờ hoạt động ngoại khóa tiếng Anh.

Vừa qua, khi dịch bệnh xuất hiện, nhiều thôn, xã ở huyện Tân Yên bị cách ly, thầy Bùi Thái Nam cùng các thành viên tổ toán-tin đã nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên toàn trường vận hành hiệu quả các phần mềm dạy học trực tuyến. Với những học sinh ở khu vực cách ly, thầy kết hợp dạy trực tuyến cùng lúc tiết học trên lớp để tạo không khí gần gũi, thân thuộc. “Thời gian đầu, đôi lúc tôi say sưa giảng mà quên một số em không ngồi trên lớp. Tôi lại dành thời gian cải thiện, tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, chỉ đến tối mới mượn được thiết bị học cho nên thường nhắn tin, gọi hỏi bài tôi rất muộn. Nhưng với tôi, đó là niềm hạnh phúc khi được học trò tin tưởng”, thầy Bùi Thái Nam chia sẻ.

Nỗ lực không ngừng của thầy Bùi Thái Nam đã thu về “quả ngọt”. Trong đó, nhiều em đã trở thành tân sinh viên các trường đại học thuộc tốp đầu cả nước. Năm học 2020-2021, trước ảnh hưởng nặng nề do thiên tai ở miền trung, thầy và các đồng nghiệp trong chi đoàn cán bộ giáo viên còn nhận đỡ đầu, ôn thi miễn phí, vận động quyên góp quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm gửi tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Thầy Bùi Thái Nam từng nhiều lần nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”, “Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh”, Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang…

Dừng đến trường, không dừng học tập -0

 Thầy giáo Bùi Thái Nam (áo trắng) trao đổi bài tập với học sinh.

Luôn miệt mài với công việc, cô giáo Lam Thị Thanh Hường luôn được đồng nghiệp, học sinh Trường tiểu học, THCS và THPT Văn Lang (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) coi là “cây sáng tạo” về đổi mới dạy học trong đại dịch. Gần 20 năm qua, cô giáo người dân tộc Sán Dìu ngày ngày vượt hàng chục km từ nhà tới trường, cống hiến hết tuổi xuân vì sự nghiệp giáo dục. Dịch bệnh xuất hiện, thay đổi mọi thói quen, phương pháp giảng dạy khiến nhiều thầy, cô giáo không khỏi bỡ ngỡ. “Thực tế, khó khăn lớn nhất của đội ngũ giáo viên là phải vượt qua sự lúng túng trước hàng loạt phần mềm hỗ trợ và chiến thắng được tâm lý đối phó, ngại thích nghi. Tập thể thầy, cô giáo Trường Văn Lang đã mạnh dạn thay đổi tư duy, tích cực trao đổi mọi khúc mắc nhỏ nhất, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm giúp học sinh “dừng đến trường nhưng không dừng học tập”. Mỗi tiết học trực tuyến, tôi lại cố gắng cải thiện từng chút một, dần hoàn thành tiến độ cơ bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhanh chóng triển khai bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi”, cô giáo sinh năm 1983 cho biết. Với chuyên môn vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, cô Lam Thị Thanh Hường được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh phân công biên soạn, ghi hình bài giảng hướng dẫn học sinh lớp 12 toàn tỉnh ôn tập môn lịch sử. Lần đầu “đứng lớp” qua ống kính máy quay, cô phải thức trắng nhiều đêm chuẩn bị giáo án thật súc tích, ngắn gọn, thiết kế câu hỏi, bài tập logic và khớp thời gian ghi hình.

Học sinh của cô Lam Thị Thanh Hường đều tốt nghiệp THPT trong đó, cô nhớ nhất một học sinh nam tên Bảo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đam mê nghề đầu bếp, cậu thường chểnh mảng bài vở, dành thời gian đi làm ở các nhà hàng, khiến kết quả học tập luôn “báo động đỏ”. Biết tới hoài bão của Bảo, cô thường xuyên gọi điện, đôi khi đến tận nhà khuyên nhủ, kèm cặp, giúp học trò bắt kịp nhịp học, tốt nghiệp THPT. Hiện tại, Bảo đi làm xa nhưng vẫn giữ liên lạc và không bao giờ quên chúc mừng cô Hường mỗi dịp 20/11. Năm học 2020-2021, đội tuyển học sinh giỏi của cô Lam Thị Thanh Hường giành hai giải nhất, năm giải nhì và sáu giải ba môn lịch sử cấp tỉnh; học sinh lớp cô chủ nhiệm tốt nghiệp 100%, trong đó có 10 em xét tuyển đại học đạt từ 25,5 điểm trở lên, một em là top 5 thủ khoa khối C toàn tỉnh. Cá nhân cô Lam Thị Thanh Hường từng nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Quảng Ninh và nhiều phần thưởng khác.

Toán học, lịch sử đã vất vả, dạy trực tuyến một môn học cần nhiều tương tác như ngoại ngữ còn khó hơn nhiều. Vậy mà cô giáo Bành Ngọc Thủy (Trường THCS thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đã đưa học trò vượt qua mọi trở ngại, đồng thời sáng tạo, phát triển nhiều mô hình học tiếng Anh lôi cuốn. Giống những ngôi trường vùng cao khác, học sinh của cô Thủy nắm ngữ pháp tốt, nhưng thường tự ti, ngại giao tiếp ngoại ngữ. Nắm được tâm lý đó, cô và các đồng nghiệp trong tổ ngoại ngữ của trường thành lập câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức “Ngày hội tiếng Anh”, “Lễ hội Halloween”, thi thuyết trình tiếng Anh với các chủ đề được khéo léo lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa của trường như “Nói không với túi nilon”, “Các lễ hội ở Lạng Sơn”, “Môi trường chung quanh ta”…

Trực tiếp dự giờ ngoại ngữ của cô Bành Ngọc Thủy tại Trường THCS thị trấn Lộc Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi phong cách “100% tiếng Anh” trôi chảy, đồng đều trong cả lớp. Giáo viên năng động, học sinh tự tin, nhanh nhẹn, say mê kiến thức… là “quả ngọt” cô Thủy chắt chiu sau hằng năm trời tìm tòi tài liệu, tham khảo đồng nghiệp, tự xây dựng, điều chỉnh giáo án, nhất là khi dịch bệnh bùng phát. Trong 5 năm học vừa qua, cô giáo người Lạng Sơn đã bồi dưỡng 43 học sinh giỏi đạt giải cấp huyện, 18 em cấp tỉnh và đặc biệt là ba em giành giải tiếng Anh trên internet cấp quốc gia (IOE). “Tôi vẫn rất may mắn khi có điều kiện lao động tốt hơn nhiều đồng nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Nếu như niềm vui của người kỹ sư là cây cầu mới xây, người nông dân là đồng lúa trĩu bông, thì một giáo viên hạnh phúc nhất khi học trò giỏi giang, trưởng thành”, cô Bành Ngọc Thủy cho biết.

Thời gian qua, các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình động viên những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của lực lượng giáo viên cả nước nhằm đồng hành với học sinh vượt dịch dạy tốt, học tốt. Tiêu biểu như chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Sau 5 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 277 giáo viên tiêu biểu, nhiều năm mang con chữ lên vùng sâu, vùng xa, kiên trì với sự nghiệp “trồng người” ở biên giới, hải đảo, mở ra tương lai tươi sáng cho học sinh khuyết tật, dân tộc thiểu số… Bước sang năm thứ sáu, chương trình vinh danh 50 thầy, cô giáo có sáng kiến, sáng tạo về phương pháp giáo dục, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai.

Theo LINH PHAN (Báo Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích