Hai ngày nghỉ lễ hơn 3000 người phải nhập viện vì tai nạn giao thông
Chiều 1/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành cho thấy, sau hai ngày nghỉ lễ (từ 7 giờ ngày 29/4 - 7 giờ ngày 1/5), tổng số có 3.190 người được đưa đến các cơ sở y tế khám do tai nạn giao thông.
Trong đó, 3.011 trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi; 701 người bệnh người chuyển viện. 1.086 người bệnh tai nạn giao thông được đều trị và ra viện.
Cũng trong hai ngày này, 34 người tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, tiên lượng tử vong xin về).
Trong đó, 8 người tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, 22 người tử vong trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và 4 trường hợp tiên lượng tử vong xin về.
Tính đến 7 giờ ngày 1/5, các cơ sở y tế trên cả nước có 187.047 người bệnh đang điều trị. Sau 2 ngày nghỉ lễ, tổng số 110.443 người khám, cấp cứu; 45.038 người nhập viện điều trị nội trú. 30.673 người được ra viện.
786 người bệnh tử vong trong hai ngày nghỉ (bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về).
Tính đến sáng 1/5, tổng số 3.937 người mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong 2 ngày nghỉ lễ, 1.168 người mắc COVID-19 nhập viện điều trị nội trú; 698 người được ra viện và 7 người tử vong do COVID-19.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 -1/5/2023, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Các địa phương cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Số bệnh nhân COVID-19 nặng tăng gần gấp đôi
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 1/5 của Bộ Y tế cho biết, có 1.243 ca mắc COVID-19 mới, giảm hơn 700 ca so với hôm qua. Trong ngày có 617 ca khỏi, bệnh nhân nặng tăng lên 123 ca, gần gấp đôi hôm qua.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.563.091 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.854 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 617 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.622.744 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 123 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 84 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 9 ca
- Thở máy không xâm lấn: 2 ca
- Thở máy xâm lấn: 28 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.191 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 30/4 có 831 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.224.563 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.597.318 liều: Mũi 1 là 70.908.231 liều; Mũi 2 là 68.451.975 liều; Mũi bổ sung là 14.343.895 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.096.559 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.796.658 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.661.702 liều: Mũi 1 là 10.213.295 liều; Mũi 2 là 8.448.407 liều.
Theo Chính phủ