Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giá dầu Châu Á đi lên trong phiên giao dịch 13/3, đảo ngược khởi đầu ảm đạm vào đầu phiên này do nhu cầu năng lượng của Trung Quốc phục hồi và đồng USD suy yếu hơn đã hỗ trợ thị trường vốn đang bị xáo trộn bởi triển vọng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất.
Chiều phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc đảo chiều tăng 25 xu Mỹ, tương đương 0,30%, lên 83,03 USD/thùng, sau khi giảm vào đầu phiên. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 23 xu Mỹ lên 76,91 USD/thùng.
Các nhà phân tích từ ngân hàng ANZ (Australia) cho biết tâm lý thị trường hiện rất mong manh do những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, giữa lúc lượng dầu trữ kho ở Mỹ cao hơn.
Stephen Innes, đối tác quản lý của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sĩ), cho biết: “Từ quan điểm của một nhà giao dịch dầu mỏ, tôi cho rằng đồng USD sẽ giảm trở lại khi các nhà giao dịch từ bỏ kỳ vọng về việc Fed đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất; điều này sẽ mở đường cho các nhân tố cơ bản mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc, vốn thống trị hoạt động giao dịch hàng hóa toàn cầu."
Đồng USD yếu hơn làm cho dầu bớt đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và ngân hàng Signature Bank (Mỹ), cũng như những lo ngại về khả năng lây lan xu hướng này đã dẫn đến việc bán tháo tài sản tại thị trường Mỹ vào cuối tuần trước, điều này cũng gây áp lực giảm giá đối với đồng USD.
Nhận định hồi cuối tuần trước từ Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Saudi Aramco Amin Nasser về nhu cầu dầu thô từ Trung Quốc cũng cung cấp một số hỗ trợ cho thị trường dầu.
"Nếu Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và mua nhiên liệu máy bay, cùng với công suất dự phòng rất hạn chế, thì nhu cầu tiêu thụ sẽ lên tới 2 triệu thùng/ngày. Vì vậy, chúng tôi lạc quan một cách thận trọng trong ngắn hạn và trung hạn về thị trường dầu."
Các bình luận trên được đưa ra sau thông báo rằng Saudi Arabia và Iran đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian, có khả năng mở đường cho sự hồi sinh của một thỏa thuận hạt nhân cho phép xuất khẩu dầu thô của Iran đang bị trừng phạt.
Từ góc độ nguồn cung trung hạn đến dài hạn, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. (Mỹ) cho biết các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần trước (kết thúc ngày 10/3) đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động trong tuần thứ tư liên tiếp, đây là lần đầu tiên thời gian kể từ tháng 7/2020./.
Theo MINH TRANG (TTXVN/Vietnam+)