Giá heo hơi hôm nay 24-3: Heo hơi hút hàng, nhà nông liều tái đàn

24/03/2020 - 09:15

Là tay chăn nuôi giỏi trong vùng, chị Trần Thị Dung (44 tuổi), trú thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng có nhiều năm nuôi heo siêu nạc quy mô lớn đạt chất lượng cao. Nhận thấy dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, giá heo hơi liên tục giữ mức cao nên dù đã trải qua nhiều lần thất bại, chị Dung vẫn quyết tâm dùng kinh nghiệm và “lá gan lớn" để gây dựng lại cơ nghiệp từ con heo.

Đi lên từ số 0

Lập gia đình khi còn trẻ, chị Dung đã bắt tay vào thử nghiệm chăn nuôi vài con heo cùng với công việc đồng áng. Khi đã dày dạn kinh nghiệm nuôi heo khỏe, chóng lớn, năm 2007-2008 chị Dung mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng nuôi heo siêu nạc, chủ động học hỏi kiến thức chăn nuôi hiệu quả.

Chị Dung mạnh dạn tái đàn lợn, sau khi địa phương đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi, giá heo hơi có xu hướng tăng cao.

Khi chỉ có vài cặp heo thì nguồn thức ăn rất đơn giản, dễ kiếm, có thể tận dụng từ rau màu, ruộng vườn. Nhưng khi số lượng đàn heo lớn với sức ăn mạnh, thì việc tìm nguồn thức ăn chất lượng, chi phí thấp là điều trăn trở lớn với nhiều hộ chăn nuôi như chị Dung.

Những ngày đầu khởi nghiệp, vợ chồng chị đã lặn lội từng con đường, kiệt, hẻm ở TP.Đà Nẵng để tìm nguồn thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn, khu phố. Nhưng không gì là dễ dàng, sau nhiều ngày họ vẫn không tìm được nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc. Suốt 4 năm đầu khởi nghiệp với 3 đàn heo (30 con), chị Dung mua lại nước bã từ chủ mối với giá 7.000 đồng/thùng. Mỗi tháng phải chi ra hơn 2-3 triệu đồng tiền thức ăn chính cho đàn gia súc (10 thùng/ngày).

Kinh tế chủ yếu của gia đình chị Dung dựa vào chăn nuôi heo.

“Từ không có chút kinh nghiệm gì về chăn nuôi heo thì nay tôi rất tự tin là mình chăn nuôi tốt. Lúc trước, vì không có vốn để đầu tư trực tiếp mở rộng đàn heo nên tôi kiên trì gầy heo nái qua từng lứa. Điều này góp phần giúp hộ nuôi heo vừa tiết kiệm tiền mua con giống, vừa an tâm về chất lượng heo thương phẩm. Đặc biệt, nhờ đảm bảo quy trình chăn nuôi sạch, thức ăn tự nhiên nên heo rất được thương lái ưa chuộng và đặt mua trước khi xuất chuồng. Nhờ heo mau lớn, khỏe mạnh, bán được giá mà kinh tế gia đình cũng ổn định dần”, chị Dung vui vẻ nói.

Vụ hè thu năm nay, vợ chồng chị Dung trồng 2,5ha lúa và hoa màu. Đây là nguồn kinh tế phụ trợ của gia đình, đồng thời đem lại nguồn cám gạo giúp đàn heo tăng trưởng mạnh và “đẹp da”. Phân heo được chị xử lý bằng hầm biogas từ 13 năm nay nên không những giúp gia đình chị xử lý tốt nguồn chất thải, bảo vệ môi trường mà còn có khí đốt phục vụ sinh hoạt của gia đình, giúp giảm chi phí.

Đánh liều tái đàn

Từ tháng 6-2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trên nhiều tỉnh thành, đàn heo hơn 50 con của chị Dung cũng không ngoại lệ và bị tiêu hủy hoàn toàn. Nguồn kinh tế chủ lực của gia đình bị tiêu tan theo bầy heo, khiến vợ chồng chị lỗ nặng và lo âu về kế sinh nhai. Tổng số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng không là gì so với nguồn vốn chị đã đầu tư.

Bên cạnh đó, cơ quan ban ngành khuyến cáo sau 6 tháng mới được tái đàn, khiến chị Dung lâm vào cảnh thất nghiệp. Nếu vợ chồng chị chỉ bám vào cây lúa, lương công tác xã hội “ba cọc ba đồng” của chồng thì họ không thể trang trải cuộc sống của 5 miệng ăn.

Hiện nay, chị Dung đã tái đàn với hơn 30 con, dự kiến thời gian tới chị sẽ nâng tổng số lượng đàn heo.

Sau một thời gian, chị Dung “đánh liều” mua một đàn heo con để tái sản xuất. Nhiều hộ chăn nuôi khác cho rằng chị có “lá gan lớn” khi tái đàn. Bởi họ vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh, con giống lại quá đắt nên không dám đầu tư bầy đàn với số lượng lớn.

Chị Dung cho biết, ở thôn chưa có ai dám tái đàn cả, chỉ có chị liều mua một lúc 30 con để làm lại từ đầu. Bỏ ra nguồn vốn lớn để mua con giống đắt gấp đôi lúc trước, hai vợ chồng hi vọng heo khỏe mạnh và đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình. Bài học từ những thất bại sẽ giúp việc khởi đầu thuận lợi và phát triển bền vững hơn.

Dù là việc nuôi heo quen tay nhưng khó khăn, vất vả thì nhiều không kể hết. Nhiều khi chị cũng vui khi thấy mình vừa là một nhà nông, vừa là một bác sĩ thú y và cũng là mẹ của những “chú” heo siêu nạc…

Vì giá heo giống tăng cao (khoảng 1,3 triệu đồng/con) nên ở địa phương chưa có ai tái đàn sản xuất.

Vì nguồn heo con khan hiếm nên chị Dung phải đặt mua heo giống từ chợ Bà Rén (Quảng Nam) với giá 13 triệu đồng/10 con. Chị chấp nhận bỏ thêm khoảng thời gian và công sức chăm bẵm heo sữa như em bé, từ tiêm đầy đủ các loại vaccine theo quy định để phòng bệnh, đến thường xuyên vệ sinh môi trường chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng để hạn chế mầm bệnh phát tán…

Chỉ khi tuân thủ đủ quy trình ngừa bệnh từ nhỏ, thì sau này heo mới đảm bảo có sức đề kháng mạnh và cho thịt chất lượng cao.

“Nếu đàn heo 30 con hiện tại phát triển khỏe mạnh thì không lâu tôi sẽ thu lại nguồn vốn ban đầu. Đồng thời, việc gầy heo nái sẽ giúp người nuôi tự chủ được nguồn heo giống, mở rộng chuồng nuôi. Chính vì vậy, dù nhiều lúc trắng đêm với đàn heo nhỏ hay bệnh, nhưng đổi lại tôi rất vui và phấn khởi khi nhìn heo khỏi bệnh, lớn nhanh....”, chị Dung phấn khởi nói.

Được biết, việc tái đàn chăn nuôi heo tại địa phương đang được cán bộ thú y xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) giám sát chặt chẽ, đồng thời hướng dẫn bà con chăn nuôi đảm bảo quy định an toàn sinh học (con giống, môi trường nuôi, vaccine phòng bệnh, giết mổ…).

Theo Dân Việt