Giá tiêu lập mốc mới
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu tiếp tục tăng tại các vùng trồng trọng điểm.
Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông tăng 500 đồng/kg, lên 72.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai cũng tăng thêm 1.000 đồng, lên mức 72.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Bình Phước đạt 73.500 đồng/kg, còn Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên sát 75.000 đồng/kg.
Giá tiêu thấp nhất là tại Đồng Nai, đạt 71.000 đồng/kg.
Tuy nhiên nhiều bà con trồng tiêu cho biết, giá tiêu thu mua tại các đại lý vẫn thường cao hơn giá tham khảo. Theo đó mức giá ngoài thị trường hiện phổ biến từ 74.000 - 75.000 đồng/kg (tiêu đầu giá, chưa cộng các chỉ số về chất lượng, độ ẩm, dung trọng).
Giá tiêu ngày 18-6 tại một số vùng nguyên liệu. Nguồn: tintaynguyen
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tình hình xuất khẩu hồ tiêu đang có dấu hiệu lạc quan hơn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng, trong bối cảnh nguồn cung cạn dần do vụ thu hoạch tiêu đã kết thúc.
Trong 5 tháng đầu năm năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 121.000 tấn hồ tiêu, so với cùng kỳ năm 2020 lượng xuất khẩu giảm 17,1%.
Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ thuận lợi trong thời gian tới do nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu tiêu thụ tăng khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nới lỏng giãn cách xã hội.
Ông Hoàng Phước Bính - Tổng Thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nhận định, vài ba tháng tới cho đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, dự báo giá tiêu sẽ có triển vọng tăng dần. Khả năng đến cuối năm, giá tiêu sẽ đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Ông Bính phân tích: Giá tiêu đỉnh điểm của năm 2015 là 220.000 đồng/kg, nhưng từ đó đến năm 2020, mỗi năm giá tiêu giảm vài chục ngàn đồng/kg. Đến đầu tháng 4-2020, giá tiêu chạm đáy còn 34.000 đồng/kg.
Sau đó, giá tiêu dần dần tăng cho đến hiện nay. Vì thế có thể xác định rằng năm 2020 – 2021 là năm giá chạm đáy và bắt đầu một chu kỳ lên giá mới.
Về cơ sở để xác định thời điểm bắt đầu chu kỳ lên giá mới, ông Bính cho rằng, do mấy năm vừa qua giá hồ tiêu rất thấp, nông dân càng đầu tư vào vườn tiêu thì càng bị lỗ vì vậy các chủ vườn tiêu đã bỏ bê không chăm sóc, rất nhiều vườn tiêu bỏ hẳn. Vì vậy, diện tích tiêu giảm rất nhiều.
"Qua khảo sát chúng tôi ước tính, năm 2017 là năm diện tích tiêu lớn nhất (153.000ha), cho đến năm 2021, ước tính diện tích có thu hoạch chỉ còn chưa tới ½ so với diện tích năm 2017. Cộng với thời tiết mùa mưa năm 2020, đầu năm bị hạn hán nghiêm trọng cho nên tiêu ra gié và kết trái được rất ít, dẫn tới năng suất giảm rất nhiều.
Với 2 yếu tố đó, sản lượng của vụ thu hoạch năm 2020 – 2021 sẽ phải giảm trên 30%. Tức sản lượng thu hoạch chỉ đạt khoảng 150.000 tấn" - ông Bính cho biết.
Nhận thấy giá tiêu tăng từ đầu vụ thu hoạch đến nay và dự báo có thể còn tăng nữa, tại một số địa phương bà con lại xôn xao tìm mua trụ gỗ, trụ bê tông, cây trụ sống và giống tiêu để bắt đầu trồng mới diện tích hồ tiêu.
Người dân đi mua tiêu giống ở “thủ phủ” tiêu huyện Chư Sê (Gia Lai). Ảnh T.Tuấn/Báo Lao động
Anh Nguyễn Văn Lành – người dân xã Dun, huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết: "Từ tháng 4-6 năm nay, giá tiêu tăng liên tục nên đã thôi thúc người nông dân gây dựng lại cây hồ tiêu. Vụ mùa thu hoạch năm nay hầu như các chủ vườn tiêu đều có lời. Nay người dân muốn đầu tư trồng lại vườn tiêu sau nhiều năm bỏ bê, treo bảng bán đất đai vì tiêu rớt giá".
Trước tình hình bà con nông dân đang quay lại trồng mới cây tiêu, ông Bính lưu ý bà con cần đáp ứng 2 điều kiện cơ bản: Kiến thức về trồng hồ tiêu và nắm bắt thị trường kịp thời của ngành hàng hồ tiêu; khả năng đầu tư, chăm sóc hồ tiêu để trồng mới vườn tiêu cũng như tiếp tục chăm sóc vườn tiêu hiện có.
Cụ thể, các chủ vườn cần nắm vững các yêu cầu: Một là không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết. Hai là chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu.
Ba là chọn giống tốt, bốn là nên trồng xen canh hơn là trồng thuần.
Năm là nên trồng tiêu trên cây trụ sống. Sáu là nên đắp mô ở gốc, không nên tạo bồn. Bảy là nên để cỏ trong vườn tiêu, không nên làm sạch cỏ.
Tám là sử dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt.
Chín là chăm bón vườn tiêu theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững và ít bị sâu bệnh hại.
Theo Dân Việt