Giai đoạn mới, nhiệm vụ mới

25/09/2020 - 05:27

 - Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đề xuất các cấp, ngành một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là bám sát chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kết hợp với đặc điểm, tình hình thực tế ở địa phương để xác định nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh đúng và hiệu quả; tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự thống nhất và quyết tâm của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất các cấp, ngành một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là bám sát chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kết hợp với đặc điểm, tình hình thực tế ở địa phương để xác định nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh đúng và hiệu quả; tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự thống nhất và quyết tâm của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng để phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của các cơ quan đối với công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35 và cơ quan chức năng các cấp trong tham mưu và thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động phối hợp các lực lượng nắm dư luận xã hội, lực lượng chính trị nòng cốt để nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong nội bộ và xã hội, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tích cực thông tin và đối thoại với nhân dân; chủ động, linh hoạt tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội.

UNMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang

Huy động mọi nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Công tác giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội là việc làm mang tính lâu dài, là mục tiêu chung hướng đến của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thời gian tới, MTTQVN các cấp tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm: huy động nguồn lực trong nhân dân, phát huy tính chủ động tích cực ý thức tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân. Phối hợp chính quyền và các ngành chức năng vận động nhân dân ủng hộ quỹ Vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội; phát huy vai trò các tổ chức thành viên của MTTQ nhằm tạo ra nhiều nguồn lực để chăm lo cho công tác an sinh xã hội tỉnh nhà đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương điển hình tiên tiến có đóng góp trong công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo để tri ân, ghi nhận và động viên tinh thần, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Duy trì tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” hàng năm trở thành cuộc biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó, tạo nên sự nhất trí và đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước. Chủ động tham mưu và phối hợp các ngành liên quan trong việc giám sát, đặc biệt là các chính sách chăm lo cho người nghèo, công tác hỗ trợ an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng phương thức hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sờ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đưa nông sản An Giang vào các hội chợ, siêu thị

5 năm qua, ngành nông nghiệp đã cụ thể hóa nghị quyết thành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch và tập trung tổ chức thực hiện; qua đó đạt nhiều kết quả nổi bật. Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả rất tích cực: thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước năm 2020 đạt 49 triệu đồng (tăng 20 triệu đồng so năm 2015); giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân ước năm 2020 đạt 192 triệu đồng/ha (tăng 63 triệu đồng so năm 2015).

Để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cây trồng, vật nuôi trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thời gian tới rất cần sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội để giải quyết đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp theo trục thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển các ngành hàng có lợi thế dựa trên các trụ cột: đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gắn với truy suất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nội địa và xuất khẩu.

Huyện Tri Tôn

Một góc đồi Tức Dụp (Tri Tôn). Ảnh: T.H

Thời gian qua, Tri Tôn đã triển khai đồng bộ, đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội và chăm lo đời sống bà con dân tộc thiểu số Khmer, thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn trong phum, sóc đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc, đời sống của bà con từng bước nâng lên.

Tới đây, Đảng bộ huyện Tri Tôn sẽ quyết tâm cùng bộ đội biên phòng làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phát huy lợi thế, đưa huyện Tri Tôn phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Đảng bộ huyện đã xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, triển khai nhanh các dự án bò sữa của Tập đoàn TH tại xã Vĩnh Gia, dự án điện mặt trời và năng lượng cao của Công ty Nam Việt, các nhà máy điện sinh khối... xây dựng nhà máy sản xuất chế biến gạo của Tập đoàn Tân Long... nhằm đẩy mạnh công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tăng thu nhập của người nông dân.

Trên lĩnh vực du lịch, phát huy tối đa lợi thế du lịch sinh thái, thể thao, văn hóa tâm linh, lịch sử cách mạng, khai thác du lịch đồi Tức Dụp; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để kêu gọi phát triển du lịch ở hồ Soài Chek, Soài So, Tà Pạ, Ô Thum và các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa lễ hội Khmer, hội đua bò Bảy Núi...

Hội Nông dân tỉnh

Ảnh: T.C

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phát động các phong trào thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, bảo vệ môi trường, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Để phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững, tỉnh cần có cơ chế hợp lý để tạo thuận lợi cho nông dân tập trung tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn, để thuận lợi cho việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, như: điện, đường, hệ thống thủy lợi, giao thông vận tải, hệ thống kho bãi, bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến, chợ đầu mối…

Hội Nông dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Vận động, tổ chức cho nông dân tham gia “liên kết 6 nhà”: nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối; vận động hội viên nông dân tham gia các phong trào, góp phần xây dựng NTM, phát triển KTXH.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Chất lượng giáo dục và đào tạo ở An Giang liên tục nâng lên. Ảnh: H.H

Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã định hướng các trường phổ thông xây dựng và thực hiện kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thông qua việc phát triển chương trình giáo dục. Trong đó, tăng cường giao quyền chủ động (có kiểm tra giám sát) cho các cơ sở giáo dục phổ thông, triển khai chương trình giáo dục lý thuyết gắn với thực tiễn đời sống, hướng tới mục tiêu giáo dục phân hóa theo năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Từ năm học 2016-2017, hoạt động đổi mới quản lý giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đã được triển khai và đạt những kết quả nổi bật: xây dựng kỹ năng, phát huy sáng tạo, hình thành phẩm chất, thái độ sống đối với học sinh; giúp giáo viên luôn nỗ lực vươn lên; tạo phong cách quản lý khoa học, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho cán bộ quản lý; hình thành giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh của nhà trường.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai mô hình cụ thể, xây dựng và tổ chức dạy học các chuyên đề đơn môn, liên môn; đa dạng hình thức tổ chức dạy học, đặc biệt là dạy học gắn với trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoại khóa; tăng cường và chuẩn hóa các câu lạc bộ theo năng lực của học sinh. Tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học sẵn có của các trường; kết nối các khu du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử, các cơ sở công nghiệp, viện, trường… giúp học sinh gắn kết giữa học tập với trải nghiệm…

Huyện Thoại Sơn

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào sự phát triển của huyện Thoại Sơn. Ảnh: P.L

Huyện Thoại Sơn được tỉnh đánh giá là địa bàn chiến lược, quan trọng cả về lịch sử, văn hóa, KTXH và môi trường sinh thái, do đó được tỉnh chọn làm điểm đầu tiên xây dựng “Huyện NTM” giai đoạn 2016-2020. Cùng với TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên, Thoại Sơn đã trở thành đơn vị cấp huyện thứ 3 hoàn thành xây dựng NTM và là huyện NTM đầu tiên của tỉnh An Giang, sớm hơn lộ trình đề ra 2 năm.

Giai đoạn 2011-2015, Thoại Sơn xây dựng hoàn thành 2 xã NTM, giai đoạn 2016-2020 xây dựng hoàn thành 12 xã NTM. Trong đó có 5 xã đạt chuẩn xã NTM trước lộ trình kế hoạch 1 năm và 3 xã đạt chuẩn xã NTM trước lộ trình kế hoạch 2 năm... Đến nay, xã Thoại Giang được công nhận đạt chuẩn “NTM nâng cao” năm 2020 và tỉnh đang tiếp tục xét công nhận thêm 3 xã trong năm 2020…

Từ những nhiệm vụ trên, để huyện xây dựng hoàn thành các “Xã NTM nâng cao” và “Huyện NTM nâng cao” giai đoạn 2020-2025 rất cần sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cho chủ trương đưa vào Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng “Huyện NTM nâng cao” trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, huyện rất cần sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành trong quá trình thực hiện, nhất là những tiêu chí cần vốn; kiến nghị tỉnh xem xét ghi vào danh mục vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

NHÓM PHÓNG VIÊN