Giải pháp bền vững cho những mùa mía ngọt

28/03/2022 - 09:21

Sau nhiều vụ liên tiếp mía đường rớt giá, người trồng mía thua lỗ nặng nề, các biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công thương áp dụng cho mía đường nhập khẩu từ Thái Lan đã mang lại lợi ích cho ngành mía đường trong nước. Riêng tại các tỉnh Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, năm nay giá mía tăng cao nhất từ trước tới nay từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/tấn…

Nông dân huyện Sơn Hòa, Phú Yên thu hoạch mía.

Giá mía cao, góp phần giúp đời sống người dân ổn định, phát triển đi lên sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên để giữ vững niềm vui cho những mùa mía ngọt tiếp theo, các doanh nghiệp và người trồng còn nhiều việc phải làm...

Vui mùa mía bội thu

Các tỉnh Nam Trung Bộ đang vào thời kỳ cao điểm thu hoạch niên vụ mía đường năm 2021-2022. Trên các vùng trọng điểm trồng mía như Ninh Sơn, Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận); thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); hay các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), mùa này tấp nập xe chở mía ngược xuôi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương ở xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, với 40 ha mía, gia đình thu hoạch hơn 2.000 tấn, thu về hơn 2 tỷ đồng. “Chúng tôi làm cơ giới hóa từ khâu cày đất, trồng, bỏ phân, phun thuốc cỏ… cho nên giảm được nhiều chi phí. Đất được cày máy, có độ tơi xốp cao, lại đủ tưới nước, nên cây mía phát triển tốt”, bà Hương chia sẻ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ninh Quang Trương Văn Hiến cho biết, niên vụ mía này, các nhà máy thu mua ở mức xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường. Đây là mức giá cao so với những năm gần đây.

Ông Hồ Ngọc Tụng, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận trồng 15 ha, trong đó có 11,9 ha mía gốc (lưu gốc) và 3,6 ha mía tơ, được công ty hỗ trợ 46 triệu đồng. Ông Tụng tâm sự: “Nhiều năm trước, do bấp bênh về thị trường, người trồng mía chuyển sang trồng các loại cây khác để mưu sinh. Tôi cố gắng lưu gốc để giữ đất và tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Hai niên vụ liên tiếp (2020-2021 và 2021-2022) giá đường tăng cao, được công ty hỗ trợ chính sách ưu tiên vốn sản xuất giờ tôi có thu nhập đáng kể”.

Phú Yên là địa phương có diện tích mía lớn nhất các tỉnh Nam Trung Bộ với 23.000 ha, chỉ tính riêng huyện miền núi Sơn Hòa niên vụ này có 12.400 ha đang thu hoạch. Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (100% vốn Ấn Độ) hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 1,2 triệu đồng/tấn mía cây (10 chữ đường), giúp người trồng mía có thu nhập cao, bình quân 30 triệu đến 40 triệu đồng/ha. Gia đình ông Sô Minh Hùng, ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, Phú Yên vụ này thu hoạch 3 ha mía. Đây là năm đầu tiên gia đình áp dụng trồng mía theo mô hình đào hố, tưới nước, nhờ vậy cây mía phát triển rất tốt, đạt năng suất cao khoảng 80 tấn/ha. “Với giá bán mía hiện tại, gia đình lãi hơn 100 triệu đồng trong vụ mía này”, ông Hùng cho biết.

Theo đồng chí Tô Phương Bắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa, xác định cây mía là cây trồng chủ lực, là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương, nhiều năm qua chính quyền đã phối hợp Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam vận động người dân trồng mía, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định 13.000 ha. Trong đó có 2.400 ha mía có nguồn nước tưới ổn định, năng suất đạt 100 tấn/ha. Diện tích mía còn lại bình quân đạt từ 58-60 tấn/ha. Tính bình quân, mỗi ha, người trồng lãi 30 triệu đến 40 triệu đồng.

Cần có giải pháp bền vững

Có một thực tế, trong nhiều năm liền thị trường mía đường ảm đạm, nhà máy thua lỗ, người nông dân quay lưng với cây mía, nhiều vùng chuyển sang trồng các loại cây khác. Diện tích mía giảm đáng kể. Như tại Ninh Thuận lúc cao điểm toàn tỉnh có 3.500-5.000 ha mía, nhưng niên vụ này chỉ còn 1.330 ha. Nhưng với đặc điểm đất đai thổ nhưỡng của vùng bán sơn địa phía tây các tỉnh Nam Trung Bộ thì mía vẫn là cây trồng có thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đường tinh thành phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty CP đường Biên Hòa-Ninh Thuận được vận chuyển đi cung ứng. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa Lê Bá Ninh cho biết, trước năm 2017, mía là cây trồng chủ lực, được nông dân phát triển lên đến 18.500 ha, tuy nhiên, niên vụ mía 2020-2021, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 12.500 ha mía. Diện tích mía tại Phú Yên cũng giảm từ 26.000 ha xuống còn 21.369 ha. Diện tích mía giảm, trong khi giá mía hai vụ liền tăng cao, dẫn đến thiếu nguyên liệu. Trước nhu cầu thời vụ, đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu giữa các nhà máy trong khu vực.

Giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa-Phan Rang Nguyễn Tiến Cường cho biết, với mục tiêu mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng đường, công ty đã đề ra chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh đến năm 2025. Theo đó, niên vụ 2022-2023 sẽ tăng diện tích trồng lên 2.500 ha, năng suất bình quân đạt 70 tấn mía cây/vụ, nhà máy sản xuất 175.000 tấn đường tinh. Đến niên vụ 2024-2025, mở rộng diện tích trồng mía cây lên 3.200 ha, năng suất bình quân 75 tấn mía cây/ha, nhà máy sản xuất 240.000 tấn đường tinh. Tuy nhiên, công ty đang chịu sự cạnh tranh không lành mạnh (mua mía cây ở vùng trồng do công ty đầu tư) của các nhà máy thiếu đất đầu tư vùng nguyên liệu.

Trên địa bàn huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên hiện đang xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu tại một số nhà máy từ Khánh Hòa, Đắk Lắk. Trong 1.500 ha/4.600 ha mía trên địa bàn huyện Sông Hinh đã thu hoạch chỉ có 35% sản lượng mía được bán về nhà máy đường của Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa, 65% mía còn lại được đưa ra bán ngoài tỉnh. Đồng chí Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã EaLy, huyện Sông Hinh cho biết, xã có diện tích mía lớn nhất huyện với 1.700 ha, sản lượng hơn 100 nghìn tấn mía. Tại thời điểm này giá thu mua của Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa là 1.130.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường. Trong khi đó các nhà máy ngoài tỉnh đến thu mua thông qua tư thương là 1.150.000 đồng đến 1.160.000 đồng/tấn mía, nhưng mua xô, không căn cứ chữ đường do vậy phần lớn nguyên liệu mía bán ra ngoài tỉnh.

Trước thực trạng nêu trên, các nhà máy đường, các địa phương đang có những chiến lược phù hợp để xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, tổ chức liên doanh liên kết với người nông dân. Theo đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, niên vụ 2021-2022 công ty hỗ trợ không hoàn lại cho nông dân 40 tỷ đồng để trồng, chăm sóc mía. Công ty cố gắng thu mua mía giá cao giúp nông dân có thêm thu nhập, để nông dân nhận thấy được hiệu quả và gắn bó với cây mía. Dự kiến niên vụ mía năm 2022-2023, công ty tiếp tục hỗ trợ không hoàn lại 50 tỷ đồng; dự kiến tiếp tục đầu tư 350 tỷ đồng cùng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ nông dân trồng mía và ký hợp đồng với 9.000 hộ, nâng diện tích mía hợp đồng với nông dân lên 19.000 ha…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa Lê Bá Ninh cho biết, hiện nay, ở Khánh Hòa đã hình thành chuỗi liên kết khá bền vững giữa nhà máy, nông dân và chính quyền địa phương trong việc trồng mía. Khánh Hòa tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông vùng nguyên liệu mía; khuyến khích người dân liên kết với các công ty đường để chuyên canh, thâm canh cây mía.

Tại tỉnh Ninh Thuận, niên vụ 2021-2022, Công ty cổ phần đường Biên Hòa-Phan Rang đã bao tiêu cho nông dân với giá thu mua mía cây tại ruộng từ 1,075 triệu đồng đến 1,1 triệu đồng/tấn, tăng mạnh so với niên vụ trước. Công ty hỗ trợ không hoàn lại 10,8 triệu đồng/ha cho nông dân trồng mía mới gồm: dịch vụ cày, phân bón lót, giống, tưới, chuyển đổi cây trồng sang mía; hỗ trợ 1,8 triệu đồng/ha bao gồm: cày bón phân và phân hữu cơ cho nông dân lưu gốc mía để sản xuất vụ sau.

Theo TRUNG NGUYÊN KẾ (Nhân Dân)