Giải pháp chiến lược quảng bá sản phẩm OCOP An Giang

08/09/2021 - 05:44

 - Nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị của sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và sản phẩm tiềm năng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, tỉnh xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP An Giang giai đoạn 2021-2023.

Đề án “Quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2023” được thực hiện với tổng kinh phí hơn 16,9 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương, tỉnh và doanh nghiệp (DN). Tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị góp phần xây dựng nông thôn mới.

Qua công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy sản xuất phát triển; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh để sản xuất sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện nay, tỉnh đang hỗ trợ, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tiêu chuẩn hóa 5 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị, như: Co.op Mart, VinMart, Bách Hóa Xanh, Tứ Sơn... Phối hợp các tỉnh xây dựng và tham gia hệ thống trưng bày sản phẩm OCOP của 4 địa phương tại An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, TP. Cần Thơ; đào tạo, tập huấn 100% lãnh đạo DN, hợp tác xã, chủ hộ tham gia chương trình OCOP và tiềm năng OCOP.

Giai đoạn 2022-2023, tỉnh phấn đấu xây dựng 1 điểm trưng bày sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị; phối hợp các tỉnh ĐBSCL xây dựng và tham gia hệ thống trưng bày sản phẩm OCOP; lựa chọn 1-3 sản phẩm OCOP uy tín để xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu.

Các sản phẩm OCOP An Giang tham gia trưng bày tại hội chợ, triển lãm

Nếu thực hiện mục tiêu đó, DN có điều kiện thâm nhập thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Từ đó, thúc đẩy sản phẩm OCOP nâng cao tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Để triển khai đề án đạt hiệu quả, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh đề ra giải pháp chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm OCOP; triển khai chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế tham gia Đề án OCOP của tỉnh về thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ chi phí cho sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh thay đổi mẫu mã bao bì; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm OCOP...

Thực hiện đồng bộ chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Đặc biệt, giải pháp mang tính chiến lược là mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối. Đối với định hướng xuất khẩu, sẽ lựa chọn sản phẩm OCOP uy tín để xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu vào thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc… Tổ chức và hỗ trợ cho các DN tham gia hội chợ nước ngoài; phối hợp cơ quan đơn vị của Việt Nam tại các nước tổ chức kết nối, giao dịch thương mại tại nước ngoài.

Đối với sản phẩm tiêu thụ thị trường nội địa, duy trì tổ chức sự kiện, hội chợ trong tỉnh; hỗ trợ DN tham gia hội chợ ngoài tỉnh; kết nối DN với DN theo phương thức B2B hoặc "Face to Face", để kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Phối hợp các tỉnh, thành phố  giới thiệu, đưa hàng hóa của DN An Giang thâm nhập siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố. Lựa chọn, xây dựng điểm bán hàng tại các khu điểm du lịch, cơ sở tôn giáo có khả năng thu hút du khách.

Để tạo lực đẩy cho sản phẩm OCOP, tỉnh cần có cơ chế, chính sách về nguồn vốn hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, DN đạt chứng nhận OCOP và tiềm năng OCOP. Thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực. Phổ biến cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đối với DN, hợp tác xã, hộ sản xuất; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng, để có các giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, đào tạo, xúc tiến thương mại kỹ năng cho DN về quản lý, định giá sản phẩm, bán hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối, mẫu mã, bao bì... để sản phẩm OCOP vươn xa.

An Giang có 49 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (11 sản phẩm đạt 4 sao và 38 sản phẩm đạt 3 sao) của 35 chủ thể kinh tế (4 hợp tác xã, 15 doanh nghiệp, 16 cơ sở sản xuất); 2 sản phẩm (gạo thơm đặc sản Thiên Vương và gạo ngon tiến vua Tiên Nữ) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được Trung ương công nhận 5 sao (cấp quốc gia).

 

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU