Giải pháp nào để ngăn chặn việc sử dụng ngư cụ cấm

10/11/2020 - 04:55

 - Nhiều năm qua, việc sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt cá trên sông, rạch đã trở nên phổ biến. Cơ quan chức năng đã nỗ lực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong sử dụng ngư cụ. Song, tình trạng dùng xung điện, mắt lưới nhỏ để bắt cá vẫn tiếp tục diễn ra.

Cơ quan chức năng kiểm tra phương tiện đánh bắt cá

Nghèo đi kiếm ăn

Có mặt trên cánh đồng các xã ven biên vào mùa nước rút, hình ảnh dễ bắt gặp là người dân mang bình đi xuyệt cá, lươn, tôm để mưu sinh. Những phương tiện đánh bắt như: đại đường ven, lưới xếp 12 cửa ngục; những dàn lú dài có mắc lưới nhỏ… giăng đầy đồng. Nói là xuyệt để ăn nhưng thực chất, nhiều hộ “3 không” (không ngành nghề, không vốn, không có ý chí) chọn công việc này để kiếm tiền và lâu ngày họ trở thành những “xuyệt thủ”, “sát thủ” bắt cá, hủy hoại nguồn lợi thủy sản từ nhỏ đến lớn.

Trong số những người đang thực hiện hành vi bắt cá bằng xung điện, có anh Trần Văn An (nhà ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, TX. Tân Châu, An Giang). Anh An chia sẻ, mỗi sáng tranh thủ thời gian mang bình đi xuyệt để kiếm vài con cá về ăn. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, anh mua bình xuyệt có công suất nhỏ. Cá, lươn khi bị giật, những con cá lớn chuồn đi mất.

Thấy vậy, anh trao đổi với người chuyên quấn xuyệt, làm sao tăng công suất, dòng điện phải thật mạnh, giật cho được những con cá lớn và từ đó, mỗi đêm đi xuyệt, anh thu về hơn 10kg cá. Với số lượng đó, anh không chỉ để ăn mà còn mang đi bán để kiếm tiền. Lâu ngày, việc đánh bắt cá bằng xung điện đã trở thành “cái nghề” để anh kiếm sống.

10 năm trước, số người dùng xung điện để đánh bắt cá đa phần là người dân nghèo, nay thành phần này đã có sự thay đổi. Ngoài những người nghèo còn có những người khá, thậm chí là giàu, lấy nghề này mưu sinh. Bởi 10 năm gần đây, tuy ĐBSCL không có lũ lớn nhưng việc thả cá bản địa về thiên nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản khá nhiều.

Cùng với đó là lễ phát động thả cá của ngành nông nghiệp hàng năm nên nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được tái tạo. Dựa vào đó, những người ban đầu bắt cá để ăn, sau đó trở thành những người sinh sống với nghề này. Cá dưới sông nhiều đã thu hút các thành phần trong xã hội tìm cách đánh bắt, với đủ mọi lý do.

Tiếp tục tuyên truyền

Thời gian qua, nhằm ngăn chăn và đẩy lùi tình trạng khai thác cá bằng xung điện, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang kết hợp cơ quan chức năng mở lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Bên cạnh đó, chi cục đã tăng cường kiểm tra, xử lý; cụ thể, từ đầu năm đến nay triển khai trên 10 đợt công tác.

Nội dung kiểm tra việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với kích thước mắt lưới, đặt dớn, đáy, sử dụng xung điện, hóa chất để khai thác thủy sản. Địa bàn kiểm tra trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu. Đoàn kiểm tra khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiến hành kiểm tra trên 30 phương tiện khai thác thủy sản và xử phạt theo quy định.

“Khi kiểm tra, chúng tôi yêu cầu các chủ phương tiện dỡ cào lên để kiểm tra mắt lưới, đồng thời kiểm tra việc tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện trên các ghe khai thác thủy sản. Nếu hộ nào vi phạm, chúng tôi xử phạt rất nặng…” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Châu Phương Tuấn chia sẻ.

Thực tế thời gian qua cho thấy, số phương tiện và người đánh bắt cá bằng các loại ngư cụ cấm rất nhiều. Song, do việc xử phạt chưa mang tính răn đe, lực lượng chuyên ngành còn mỏng, kinh phí hoạt động còn hạn chế nên những người có hành vi khai thác thủy sản bằng các loại ngư cụ cấm không sợ, thậm chí là xem thường.

Ngay ở TP. Long Xuyên, tại các phường: Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, số người dùng xung điện đánh bắt cá trong đêm rất nhiều, nhất là vào thời điểm nước rút như hiện nay. “Theo tôi, việc này phải có sự chỉ đạo của UBND tỉnh để mang tính thống nhất, tiến hành điều tra xem ai là người làm ra các ngư cụ cấm. Trưởng các khóm, ấp trong tỉnh phải nắm và lên danh sách vận động những người này bỏ nghề, nếu cố tình vi phạm thì phạt nặng” - ông Nguyễn Văn Tây (phường Mỹ Thới) kiến nghị.

MINH HIỂN

“Một trong những giải pháp để ngăn chặn việc người dân sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt cá là tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng; đẩy mạnh dạy nghề, vận động tìm ngành nghề khác mưu sinh. Việc này phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ một mình lực lượng chuyên ngành thì hiệu quả không cao” - ông Trần Châu Phương Tuấn chia sẻ.