Giải pháp nguồn cát phục vụ công trình

23/10/2024 - 07:42

 - Do khó khăn về nguồn cát cung ứng, nên ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án xây dựng và một số công trình trọng điểm của tỉnh. An Giang tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên, khoáng sản; kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản ở các mỏ cát theo nội dung cấp bản xác nhận. Đồng thời, đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn cát cho các công trình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quản lý khai thác cát

Thiếu cung ứng

Ngoài áp lực về nguồn cát phục vụ các công trình đường bộ, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn An Giang, tỉnh còn phải hỗ trợ nguồn cát cho các cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (thuộc cao tốc Bắc - Nam). Do tập trung huy động nguồn cát cho các cao tốc này, nên áp lực nguồn cát cho các công trình nội tỉnh An Giang và phục vụ dân sinh càng khan hiếm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), khối lượng cát cần phân bổ cho 3 đoạn dự án đường cao tốc theo cơ chế đặc thù là 22.037.804m3 (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang; cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang).

Sở TN&MT đã tham mưu đưa 10 khu mỏ để thực hiện cấp phép theo cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ. Trữ lượng đã cấp xác nhận thu hồi của 10 khu mỏ là 15.218.593m3. Đồng thời, đã bố trí từ các dự án nạo vét và các khu mỏ trước đây với tổng trữ lượng 3.423.341m3. Như vậy, tổng trữ lượng cát đã phân bổ cho 3 đoạn dự án đường cao tốc nêu trên là 18.641.934m3 và khối lượng cát còn thiếu 3.395.870m3. Đã cung cấp lên công trình 5.933.811m3 (lũy kế đến ngày 18/9/2024)…

Theo Sở TN&MT, đã lắp đặt camera chuyên dụng tại 7 vị trí quan sát bao quát các khu mỏ có hoạt động khai thác cát. Các camera có thể quan sát tổng thể toàn bộ đoạn sông có khu mỏ, phục vụ cho việc giám sát hoạt động khai thác của các khu mỏ và được chia sẻ cho các cơ quan, gồm: Công an tỉnh, công an huyện, UBND các huyện, xã và các cơ quan liên quan được cấp tài khoản giám sát đều theo dõi, giám sát hoạt động khai thác đối với các phương tiện khai thác. Đối với giám sát phương tiện khai thác, giải pháp có thể giám sát về thời gian hoạt động khai thác, vị trí khai thác, camera giám sát có thể theo dõi toàn bộ hoạt động của phương tiện khai thác.

Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành 2 lần/năm (hoặc đột xuất) khi có phản ánh của người dân, chỉ đạo của UBND tỉnh về việc kiểm tra công tác chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động đối với các khu mỏ được cấp phép khai thác khoáng sân (cát sông), các dự án nạo vét thông luồng, bến bãi tập kết khoáng sản (cát sông) và các phương tiện khai thác khoáng sản (cát sông) trái phép trên địa bàn tỉnh, nhằm chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh trong công tác phối hợp với các tỉnh có địa giới hành chính giáp ranh tỉnh An Giang theo quy chế phối hợp để trao đổi thông tin, lấy ý kiến về việc thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản (cát sông) trên địa bàn có địa giới hành chính giáp ranh. Đồng thời, trao đổi, thông tin việc các phương tiện vi phạm giáp ranh địa giới hành chính để cùng nhau phối hợp xử lý…

Lắp đặt màn hình giám sát hoạt động khai thác khoáng sản

Tháo gỡ khó khăn

Theo ghi nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn khoáng sản cát ngày càng khan hiếm, lượng phù sa sụt giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Đồng thời, do tập trung khối lượng lớn nguồn cát phục vụ các dự án cao tốc và các công trình trọng điểm trong tỉnh, nên dẫn đến mất cân đối, thiếu hụt nguồn cát. Tình hình thiếu hụt nguồn cát không chỉ diễn ra trên địa bàn An Giang, mà là tình hình chung của cả khu vực ĐBSCL hiện nay.

Theo Sở TN&MT, UBND tỉnh đã cấp 10 bản xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản tại 10 khu mỏ được giao phục vụ công trình đường cao tốc. Trong đó, có 8 khu vực nằm trong đoạn sông đang bị sạt lở hoặc bờ sông không ổn định, nguy cơ sạt lở (đã được cảnh báo sạt lở). Tuy nhiên, Bộ TN&MT chưa có hướng dẫn các tiêu chí cụ thể để khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác cát/sỏi lòng sông để làm cơ sở quản lý, cấp phép khai khai thác đúng quy định. Do đó, công tác tham mưu cấp giấy phép khai thác cát đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường, không tác động đến sạt lở và đảm bảo nguồn cát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và trong tỉnh là rất khó khăn.

Để tăng cường quản lý đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra chấp hành các quy định pháp luật đối với các dự án khai thác khoáng sản; kiểm tra các tổ chức, cá nhân có tham gia các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản cát sông trái quy định pháp luật đối với UBND cấp huyện, xã…

Liên quan việc cung ứng đủ nguồn các đắp nền đường cho phần còn thiếu của Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn An Giang và các công trình nội tỉnh, Sở TN&MT đã có báo cáo và đề xuất UBND tỉnh. Đồng thời, rà soát các khu mỏ đủ điều kiện, còn trữ lượng để trình xem xét đưa vào khai thác. Đối với các công trình cần thi công gấp rút (không thuộc dự án theo cơ chế đặc thù), sở đề xuất phương án nhập khẩu cát theo chỉ đạo của Chính phủ.

Sở TN&MT tiếp tục rà soát các khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đưa vào kế hoạch khai thác đáp ứng nguồn cát còn thiếu cho dự án cao tốc và các công trình trọng điểm của tỉnh…

HỮU HUYNH