Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

25/07/2019 - 08:09

 - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cầu, làm cho trái đất nóng lên, mực nước biển dâng gây ngập lụt, giông bão, dịch bệnh gia tăng… ĐBSCL đã và đang trực tiếp đối mặt với tác động ngày càng nặng nề của BĐKH.

Tại hội thảo quốc tế “Mô hình thí nghiệm thực tế vùng thượng nguồn ĐBSCL” vừa được tổ chức tại An Giang, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, ngăn ngừa nước biển dâng.

Theo đó, các tỉnh trong vùng ĐBSCL đang đối mặt với tác động ngày càng nặng nề của BĐKH, đó là tình trạng nhiệt độ tăng cao, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp… Ở An Giang, từ năm 2017 đến nay đã xảy ra hơn 120 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm mất đất đai, thiệt hại nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đường giao thông ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra nhiều nơi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão 

Tại hội thảo, Giáo sư Toine Smits (Trường Đại học Radboud, Hà Lan) chia sẻ, nguyên tắc “kinh tế tuần hoàn” như là các tiêu chuẩn để thực hiện giải pháp phát triển bền vững, gồm: giảm lượng chất thải gây ô nhiễm, cải thiện môi trường sinh thái thông qua xây dựng các mô hình sản xuất không phát thải khí nhà kính; tái sử dụng các nguồn nguyên - vật liệu; tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Các chuyên gia còn đóng góp ý tưởng về các mô hình cụ thể cho An Giang, Đồng Tháp và ĐBSCL, liên kết với chiến lược quốc gia và khu vực, tập trung vào nông nghiệp và chuỗi giá trị, môi trường và quản lý tài nguyên nước.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Phương thức này đảm bảo cho các bên tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung - cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp... để tạo ra sản phẩm sạch. Đồng thời, liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã... để đảm bảo sản xuất nông nghiệp hiện đại an toàn theo chuỗi giá trị, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập của người dân.

An Phú là huyện đầu nguồn ĐBSCL, thường xuyên bị ngập lũ vào mùa mưa 

Vấn đề bức xúc hiện nay là môi trường và plastic (ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa). Ước tính, mỗi người ở Việt Nam sử dụng khoảng 35kg bao bì nhựa/năm. Thói quen sử dụng 1 lần rồi bỏ các loại bao bì nhựa làm gia tăng khối lượng rác nhựa thải ra môi trường, gây tác hại lên hệ sinh thái. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, mỗi bao bì nhựa thải ra môi trường phải mất khoảng 400 năm mới bị tiêu hủy trong điều kiện tự nhiên. Bao bì nhựa gây tác hại ngay từ đầu bởi việc sản xuất cần sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ, khí đốt và các chất phụ gia chủ yếu như: chất hóa dẻo, phẩm màu, kim loại nặng… cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe  con người và môi trường sinh thái. Quá trình sản xuất bao bì nhựa còn tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, gia tăng BĐKH toàn cầu, nắng nóng gay gắt, nước biển dâng cao, gây bão lụt, khô hạn… Do đó, việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa đang là vấn đề được đặt ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có ĐBSCL. 

Một vấn đề quan trọng nữa là quản lý tài nguyên nước trong điều kiện BĐKH hiện nay. Theo các chuyên gia, từ đầu thế kỷ XX, lượng nước tiêu thụ toàn cầu tăng 7 lần, chủ yếu do sự gia tăng dân số và nhu cầu về nước của mỗi người. Do sự biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa, hiện nay nhiều nơi đã thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu. Do đó, trong thế kỷ XXI, thiếu nước sẽ là một vấn đề nghiêm trọng nhất, đe dọa quá trình phát triển bền vững… Do đó, việc quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên nước sẽ là vấn đề sống còn và góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Các chuyên gia còn giới thiệu mô hình thí nghiệm thực tế thực hiện phương pháp tiếp cận liên ngành và huy động sự tham gia của các bên (chính quyền, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng) để thực hiện hiệu quả việc ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó giải pháp sáng tạo là ứng dụng “kinh tế tuần hoàn” trong quản lý, sử dụng nguyên - vật liệu, tài nguyên thiên nhiên để giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Tái chế và sử dụng tuần hoàn các nguồn nguyên - vật liệu, tái sinh các nguồn tài nguyên tự nhiên (đất, nước, biển, rừng) và triển khai các giải pháp phát triển bền vững.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH