Giải phóng mặt bằng cho cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

03/10/2022 - 06:56

 - Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là dự án lớn nhất trong lịch sử hình thành vùng đất An Giang, sau công trình đào kênh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu chỉ huy cách nay 200 năm (1819-1824). Việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm khởi công và đưa vào sử dụng tuyến cao tốc quan trọng này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ tỉnh An Giang.

Quyết tâm ở mức cao nhất

Lẽ ra, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, vì động lực phát triển của vùng ĐBSCL, Quốc hội, Chính phủ quyết định đưa vào đầu tư ngay trong giai đoạn 2021-2025. Quyết tâm này được thể hiện trong Nghị quyết 60/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Nghị quyết 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 60/2022/QH15 của Quốc hội.

Đây cũng là dự án lớn được Chính phủ mạnh dạn phân cấp thực hiện cho 4 địa phương có cao tốc đi qua là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng (theo Quyết định 17/2022/QĐ-TTg, ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia (Ảnh minh họa)

Tận dụng thời cơ này, ngày 20/5/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-HĐND về sử dụng dự phòng chung và giảm vốn các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý. Đây là căn cứ quan trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện tuyến cao tốc, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang.

Ngày 23/8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Quyết định 2168-QĐ/TU về thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 2168).

Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang trực tiếp làm Trưởng ban; phát huy vai trò của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu các địa phương có cao tốc đi qua trong nhiệm vụ thường trực, thành viên và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 2168 nhằm thể hiện quyết tâm chính trị của toàn tỉnh đối với dự án quan trọng này.

“Kể từ khi danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế thì suốt lịch sử hơn 200 năm qua, đây là dự án tầm cỡ quốc gia lớn nhất đi qua vùng đất An Giang. Dự án là cơ sở, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Khi xưa, trong điều kiện rừng thiêng nước độc, công cụ thô sơ, ông cha ta vẫn khắc phục khó khăn để tạo nên những công trình vĩ đại, để lại giá trị, lợi ích lâu dài cho quốc gia, dân tộc.

Ngày nay, trong điều kiện hiện đại, không lý gì chúng ta không hoàn thành công trình này. Từng thành viên Ban Chỉ đạo phải thể hiện tinh thần trách nhiệm ở mức cao nhất” - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

Đi qua 4 huyện, thành phố

Giám đốc Ban Quản lý Dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Văn Du cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu giao với Quốc lộ 91 (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), điểm cuối tại khu vực cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Đối với phạm vi thuộc tỉnh An Giang, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 379,6ha, gần 2.000 hộ bị ảnh hưởng, gồm các xã: Vĩnh Tế, Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc); Ô Long Vỹ, Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú, Bình Chánh (huyện Châu Phú); Vĩnh Bình, Vĩnh Hanh, Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành); Vĩnh Phú, Định Mỹ, Định Thành và Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn). Trên tuyến cao tốc đi qua, có các nút giao tại Tỉnh lộ 945 (huyện Châu Phú), Tỉnh lộ 941 (huyện Châu Thành) và Tỉnh lộ 943 (huyện Thoại Sơn).

Theo kế hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án phải hoàn thành trước ngày 12/11/2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định, phê duyệt trước ngày 10/12/2022. Đến nay, BQLDA đã ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn; nhà thầu tư vấn lập ĐTM đã dự thảo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đang phối hợp với các nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn lập khung chính sách bồi thường để hoàn thiện các số liệu. Đối với kế hoạch lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phải hoàn thành trước ngày 31/10/2022 để Bộ TN&MT thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/11/2022. BQLDA tỉnh đã ký hợp đồng với nhà thầu, đảm bảo tiến độ.

Để khởi công dự án trước ngày 30/6/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng là khâu trọng yếu nhất. Bên cạnh quyết tâm của Ban Chỉ đạo thì vai trò chủ động, tích cực của người đứng đầu các địa phương có tuyến cao tốc đi qua là rất quan trọng. Thường trực Ban Chỉ đạo 2168 yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, người đứng đầu các địa phương có cao tốc đi qua khẩn trương lập kế hoạch, triển khai nhiệm vụ chi tiết.

Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, minh bạch thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện ổn định chỗ ở, thu nhập khi phải nhường đất cho dự án; tạo đồng thuận trong cộng đồng, hạn chế thấp nhất khiếu nại nhằm đảm bảo tiến độ dự án nhanh nhất có thể.

“Đối với công tác giải phóng mặt bằng, phải công khai, minh bạch về thông tin, phương án để người dân nắm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Người đứng đầu ở các địa phương nơi dự án đi qua phải nắm rõ tình hình giải phóng mặt bằng như trong lòng bàn tay. Các ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết khiếu nại của người dân (nếu có). Tất cả các nội dung liên quan dự án phải có thẩm định của cơ quan tư pháp về tính pháp lý” – Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu

 

NGÔ CHUẨN