Giải quyết khó khăn nội tại của nền kinh tế

24/05/2023 - 06:42

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 3 trong tổng số 23 ngày. Rất nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra lấy ý kiến, mổ xẻ để tìm thấy căn cơ gốc rễ. Trong đó, làm thế nào để “vá” lỗ hổng trong phục hồi và phát triển kinh tế là vấn đề được quan tâm sâu sắc.

Khó khăn kéo đến

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và nhà nước, hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả.

Tin thì tin, mừng thì mừng, nhưng lo vẫn lo. “Những bất ổn của tình hình thế giới tác động khiến các đơn hàng bị cắt giảm, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn. Sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, thua lỗ nghiêm trọng; đời sống một bộ phận người dân chưa ổn định sau đại dịch COVID-19. Người dân lo lắng, nếu kéo dài tình trạng này thì một số doanh nghiệp tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống người lao động khó khăn hơn” - ông Đỗ Văn Chiến thông tin.

Những mối lo càng thể hiện rõ trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Tuy nhiên, diễn biến tình hình KTXH 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ khó khăn, thách thức (manh nha xuất hiện từ quý IV/2022), gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

“Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của yếu tố bất lợi từ bên ngoài; hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm, nhất là quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động từ diễn biến tình hình thế giới. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 cần thời gian để phục hồi; những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, thị trường tài chính - tiền tệ bộc lộ rõ hơn khi gặp khó khăn. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi” - ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Nâng cao năng lực nội tại

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra từ các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá một cách khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu KTXH, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; việc giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…

“Phải làm rõ trách nhiệm, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; khó khăn, hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới. Từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH cho cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

 Để phấn đấu đạt mức cao nhất chỉ tiêu KTXH theo nghị quyết của Quốc hội, theo ông Vũ Hồng Thanh, 5 nhóm giải pháp đặc biệt quan trọng được đặt lên đôi vai Chính phủ. Đầu tiên, chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu. Cuối cùng là Chính phủ cần sớm có quyết sách phù hợp về việc công bố tình trạng dịch COVID-19 ở trong nước; theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các loại bệnh truyền nhiễm, tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Kỳ họp được chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 22/5 đến 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến 24/6. Quốc hội dành 1 tuần giữa 2 đợt để các cơ quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp. Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 20 dự án, dự thảo luật.


GIA KHÁNH