Giải quyết rốt ráo những bất cập của các dự án BOT

18/06/2019 - 10:04

Chủ trương thực hiện các dự án giao thông BOT (Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) được Chính phủ khẳng định là đúng đắn, nhưng các bất cập lại đang làm nảy sinh nhiều vấn đề gây mất trật tự xã hội tại các địa phương.

Tập trung xử lý bất cập BOT

Sau gần 18 tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT, Bộ GTVT đã quyết liệt rà soát, xử lý trực diện những vấn đề còn tồn tại, bất cập ở các dự án BOT giao thông trên cả nước. Đến nay, Bộ GTVT đã huy động được 209.732 tỷ đồng đầu tư cho 68 dự án giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có 62 dự án BOT (tổng mức đầu tư 189.452 tỷ đồng).

Chú thích ảnh

Người dân phản đối việc thu phí chưa hợp lý tại Trạm thu phí QL6 - Hòa Lạc, Hòa Bình. Ảnh: Thanh HảiTTXVN

Tính đến tháng 6/2019, Bộ GTVT đã quyết toán 62 dự án, giảm tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 18.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu và đang tính toán giảm số năm thu phí hoàn vốn tại các dự án; đồng thời, chủ động mời 117 đoàn thanh tra, kiểm toán 63 dự án BOT đang khai thác và triển khai đầu tư để đảm bảo minh bạch. Qua đó, Bộ GTVT đã giảm giá vé tại 39 dự án BOT, dừng triển khai 14 dự án BOT cải tạo, nâng cấp trên đường hiện hữu.

Có thể khẳng định, các dự án BOT giao thông đã có hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương, đảm bảo an toàn giao thông, Tuy nhiên, do trong một thời gian dài, các dự án BOT được triển khai trong bối cảnh chưa có Luật PPP, khung pháp lý cao nhất mới chỉ dừng ở các nghị định, thông tư, nên đã nảy sinh nhiều bất cập, gây bức xúc dư luận, nhất là một số dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) trên đường hiện hữu, sau đó đặt trạm thu phí, dẫn tới việc người dân sử dụng đường đang được miễn phí phải trả phí.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) dẫn chứng cụ thể, Bộ GTVT đã dừng thu phí tại hai trạm Đèo Ngang và tuyến tránh Hà Tĩnh do hết thời hạn hợp đồng, không thành lập trạm Nam Hải Vân, thay vào đó là sử dụng trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án BOT Phú Gia - Phước Tượng và hầm Hải Vân; chuyển trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh Đông Hưng (Thái Bình)… Cả nước hiện chỉ còn 5 trạm thu phí đang phải tiếp tục xử lý gồm: Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Cai Lậy (Tiền Giang), Thái Nguyên - Chợ Mới và T2 trên QL91.

Riêng Trạm BOT Cai Lậy, sau khi các cơ quan kiểm toán kết luận, các bất cập tại trạm đã được xử lý như miễn giảm giá vé chung cho tất cả phương tiện và mở rộng phạm vi miễn giảm giá vé cho các chủ phương tiện khu vực trạm thu phí; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý tiếp tục thu phí tại vị trí hiện hữu, Bộ GTVT đang phối hợp với địa phương, Bộ Công an sẽ tổ chức thu phí vào thời điểm thích hợp. Tương tự, Trạm thu phí QL3 BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép dự án thu phí. Hiện nay, Bộ GTVT đã thống nhất với tỉnh Thái Nguyên về phương án miễn giảm giá vé cho người dân. Đối với trạm T2 trên QL91 nảy sinh bất cập khi cầu Vàm Cống đưa vào khai thác, Bộ GTVT đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính phù hợp, thậm chí di dời trạm…

Một bất cập cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm là tính minh bạch của chi phí đầu tư và thời gian thu phí tại các dự án BOT. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, quy trình quản lý chi phí đầu tư của các dự án BOT được thực hiện chặt chẽ, trải qua 4 bước: Phê duyệt tổng mức đầu tư, kiểm soát dự toán thông qua thẩm định giá trị dự toán trước khi nhà đầu tư phê duyệt, kiểm toán, quyết toán. Cụ thể, Bộ GTVT đã quy định rõ trong hợp đồng, giá trị quyết toán sẽ là giá trị cuối cùng để tính toán thời gian thu phí hoàn vốn. Riêng khâu quyết toán sẽ xác định chính xác chi phí đầu tư thực tế, hợp pháp của công trình, làm cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí hoàn vốn.

Công khai thông số từng dự án BOT

Chú thích ảnh

Làn thu phí tự động không dừng trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới các bất cập tại các dự án BOT thời gian qua là hành lang pháp lý của hình thức đầu tư này chưa đồng bộ và còn nhiều chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có nhiều quy định “đá” nhau, trong khi Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp có thể chuyển nhượng cổ phần hoặc góp vốn, thì Luật Đầu tư lại không cho phép thực hiện việc này. Thêm vào đó, các nghị định và thông tư liên quan liên tục thay đổi, khiến các nhà đầu tư không theo kịp. Do vậy, cần sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) để các nhà đầu tư yên tâm thực hiện, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang kêu gọi thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam.

Chú thích ảnh

Thực hiện thu phí không dừng sẽ khắc phục được tình trạng dồn ứ tại các trạm thu phí. 

Trong khi chờ Luật PPP hiện thực hóa, theo Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đến cuối năm 2019, khi công tác thu phí tự động không dừng được áp dụng tại các trạm BOT, Bộ GTVT sẽ công bố mọi thông số của từng dự án BOT để người dân giám sát.

Cụ thể, Bộ GTVT sẽ công khai các chính sách miễn giảm cho phương tiện và miễn giảm cho người dân sinh sống quanh trạm thu phí BOT, nhằm khắc phục tình trạng so sánh giữa các địa phương dẫn đến khiếu nại; công khai thông tin về nhà đầu tư, thời gian thu phí, chi phí đầu tư, chi phí quyết toán… Hiện nay, trên trang website của Bộ GTVT đã có danh mục 74 dự án BOT, người dân có thể truy cập tra cứu, nắm tình hình thu phí đến thời điểm nào, được bao nhiêu, thời gian còn lại được bao nhiêu… qua đó sẽ giám sát theo cách tốt nhất.

“Để tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giám sát các dự án BOT, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh Luật Đầu tư công, ban hành các Thông tư 35, 49 thay thế thông tư 59 của Bộ Tài chính về giám sát Trạm thu phí BOT, mức phí BOT; kiểm tra chéo quy trình thực hiện dự án BOT để đảm bảo sự đồng thuận cao. Đặc biệt, đối với các dự án BOT tới đây, Bộ GTVT thống nhất quy định tổ chức đấu thầu, lần một không được thì đấu thầu lần hai, đến khi nào được thì thôi, tránh chỉ định thầu, dù được cho phép, nhưng khiến dư luận nghi ngại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

“Bộ GTVT chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng phí đối với các dự án BOT và vẫn đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan đến việc sụt giảm doanh thu tại các trạm thu phí BOT, để tổng hợp, tính toán các giải pháp, phương án thu, sau đó mới báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định biện pháp cụ thể”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.

Theo VÂN SƠN (Báo Tin Tức)