Shutterstock
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đã cải thiện sức khỏe đáng kể và hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu đã thoát khỏi hội chứng chuyển hóa ngay sau chế độ ăn kiêng ít bột đường trong 4 tuần, theo Science Daily.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và đột quỵ chỉ bằng cách cắt giảm chất bột đường.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio (Mỹ), dẫn đầu bởi nhà khoa học Parker Hyde, muốn biết điều gì xảy ra với những người béo phì mắc hội chứng chuyển hóa, tiền thân của bệnh tiểu đường, khi họ ăn chế độ ăn ít carbohydrate nhưng không giảm cân, theo Science Daily.
Nghiên cứu của họ bao gồm 16 người đàn ông và phụ nữ mắc hội chứng chuyển hóa.
Mỗi người tham gia nghiên cứu đã trải qua các chế độ ăn kiêng có đối chứng, kéo dài trong 4 tháng, gồm 1 tháng với chế độ ăn ít chất bột đường, 1 tháng ở mức trung bình và 1 tháng với nhiều chất bột đường - với thời gian nghỉ giữa các chế độ ăn là 2 tuần. Thứ tự của các chế độ ăn kiêng được chỉ định ngẫu nhiên.
Chế độ ăn ít bột đường được giới hạn ở 45g carbohydrate mỗi ngày - gần tương đương với 2 lát bánh mì trắng.
Ở chế độ ăn vừa phải, giới hạn là 234g và chế độ ăn nhiều carb là 420g.
Kết quả cho thấy, sau khi ăn chế độ ăn kiêng ít chất bột đường, những người tham gia đã có sự cải thiện sức khỏe đáng kể, đặc biệt là mức chất béo trung tính thấp hơn và chỉ số cholesterol được cải thiện và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu cũng báo cáo bằng chứng về hiệu quả đốt cháy chất béo tăng lên sau chế độ ăn kiêng ít bột đường và cải thiện lượng đường trong máu.
Cũng có 3 người đã thoát khỏi hội chứng chuyển hóa sau chế độ ăn với lượng bột đường vừa phải.
Như vậy, hội chứng chuyển hóa, do huyết áp cao, béo phì và lượng chất béo và đường trong máu cao, có thể được đẩy lùi bằng cách thay đổi chế độ ăn uống.
Rõ ràng, thí nghiệm này đã chứng minh chế độ ăn ít bôt đường là một chế độ ăn uống lành mạnh.
Chế độ ăn ít bột đường là chế độ ăn mà các loại thực phẩm giàu chất bột đường như khoai tây, mì, ngũ cốc và thực phẩm nhiều đường và thực phẩm chế biến được thay thế bằng nhiều trái cây, rau, thịt và các loại hạt.
Hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các vấn đề sức khỏe có thể tránh được, kết hợp với nhau làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim hoặc đột quỵ.
Các điều kiện góp phần gây ra hội chứng chuyển hóa bao gồm huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, mỡ cơ thể dư thừa quanh eo và cholesterol HDL "tốt" thấp hoặc mức chất béo trung tính cao, theo Science Daily.
Một người được chẩn đoán là mắc hội chứng chuyển hóa nếu họ mắc từ 3 vấn đề sau trở lên:
- Kích thước vòng eo từ 94cm trở lên đối với nam hoặc 80cm đối với nữ.
- Hàm lượng chất béo trong máu cao và mức cholesterol "tốt" thấp.
- Huyết áp luôn ở mức 140/90mmHg hoặc cao hơn.
- Không có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu (kháng insulin).
- Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc viêm.
Hội chứng chuyển hóa có xu hướng gây ra do thiếu tập thể dục hoặc hoạt động thể chất hoặc chế độ ăn uống kém.
Bệnh không phải là không thể ngăn chặn và có thể được ngăn chặn hoặc đẩy lùi bằng cách giảm cân, tập thể dục thường xuyên, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, và bỏ hút thuốc và uống rượu, theo Science Daily.
Theo THIÊN LAN (Thanh Niên)