Giảm nỗi lo cũ đầu năm học mới

31/08/2022 - 07:31

 - Năm học 2022-2023 bắt đầu, phụ huynh lo lắng trước những khoản chi phí “đến hẹn lại lên”, nhất là người lao động thu nhập thấp. Điều này khiến họ xoay xở khá chật vật.

Những hỗ trợ kịp thời vào đầu năm học 

Trước thềm năm học mới, sức mua các mặt hàng sách giáo khoa, đồ dùng học tập bắt đầu tăng mạnh. Theo nhân viên nhà sách, tuần qua, phụ huynh học sinh cấp tiểu học mua đồ dùng học tập khá đông. Giá mặt hàng này không tăng nhiều so với năm ngoái. Tại các nhà sách, kệ sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học tập được bố trí riêng để phụ huynh và học sinh thuận tiện mua sắm, lựa chọn sách vở. Ngoài sách giáo khoa theo bộ, các cửa hàng linh hoạt bán lẻ sách khi người mua có yêu cầu.

Như thường lệ, không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng, bối rối trước những khoản mua sắm cho việc học của con em mình, nhất là hộ gia đình kinh tế khó khăn. Còn với những người có điều kiện, việc mua sắm cho con đầu năm học hoàn tất từ khi nghỉ hè. “Tôi có 2 bé sinh đôi, năm học này đều vào lớp 1. Việc chuẩn bị sách giáo khoa, tập vở, đồ dùng học tập… vợ chồng tôi chuẩn bị trước đó hơn 1 tháng. Sợ gần đến ngày tựu trường, người mua nhiều, sách giáo khoa bị khan hiếm, nên tôi mua sớm để an tâm hơn.

Ngoài ra, tiền mua đồng phục học chính khóa và học thể dục cho 2 đứa nhỏ cũng gần 2,3 triệu đồng. Sợ con thiếu trước thiếu sau nên cái gì cũng mua, thành ra chi phí tốn kém không ít!” - chị Cẩm Tiên (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long xuyên) chia sẻ.

Cũng là câu chuyện mua sắm đầu năm cho con, nhưng với vợ chồng chị Nguyễn Thanh Thúy (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) lại là gánh nặng với rất nhiều nỗi lo. Theo chị Thúy, để có tiền mua sách giáo khoa và đồng phục cho 2 con đến trường, chị phải vay mượn bà con 2 triệu đồng. Làm công nhân may ở Khu công nghiệp Bình Hòa, lương hơn 4 triệu đồng, nếu tăng ca được thêm một ít tiền, nhưng mấy tháng qua hàng ít, chị không làm tăng ca. Vì vậy, chi tiêu trong gia đình đã eo hẹp, nay càng thiếu hụt.

“Ngày tựu trường gần đến vẫn chưa mua sắm được gì, tôi sốt ruột lắm. Nhìn con buồn, tôi chỉ biết an ủi. Đợi làm có dư sẽ mua sách, đồng phục cho con, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, tôi đành vay mượn thêm. Đứa nhỏ học lớp 3, tôi tham khảo ở nhà sách thì được báo giá hơn 500.000 đồng. Mua luôn cho đứa lớn học lớp 8, rồi đồng phục, giầy, đồ dùng học tập, chắc phải tốn gần 1 tháng lương của tôi” - chị Thúy trải lòng.

“Vợ chồng tôi đều là nhân viên bình thường, mức thu nhập trung bình, nên mỗi khi vào đầu năm học, để lo cho 3 đứa con, vợ chồng tôi khá “hụt hơi”. Ngoài tiền mua sắm sách vở, đồ dùng, đồng phục, còn phải đóng học phí. Chỉ lo mua sắm cho các con thôi khiến tôi mệt mỏi” - anh Phan Văn Cao (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) bày tỏ.

Chia sẻ nỗi lo cùng phụ huynh, nhiều nơi, chính quyền địa phương, nhà trường đã thực hiện xã hội hóa, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ sách giáo khoa, đồng phục, dụng cụ học tập… nhằm “tiếp sức” các em đến trường. Ngày 26/8 vừa qua, Đảng ủy, UBND phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên) phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phường tổ chức gian hàng “Văn phòng phẩm 0 đồng”; trao tặng thẻ bảo hiểm y tế và học bổng năm học 2022-2023 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Theo đó, địa phương đã trao tặng 97 thẻ bảo hiểm y tế, 60 suất học bổng cho học sinh khó khăn. Từ gian hàng “Văn phòng phẩm 0 đồng”, 155 bộ sách giáo khoa, 50 bộ đồng phục và hơn 2.000 quyển tập, kèm đồ dùng học tập được trao tặng cho các em trước thềm năm học mới. Hoạt động nhằm động viên, khích lệ các em vững bước đến trường, đồng thời chia sẻ phần nào nỗi lo đầu năm với phụ huynh” - Phó Bí thư Phường đoàn Mỹ Bình Dương Thành Tâm chia sẻ.  

Đầu năm học nào cũng vậy, nhiều nhà trường, địa phương, hội khuyến học trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tặng học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, lập danh sách miễn giảm học phí cho các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... góp phần chia sẻ nỗi lo toan của nhiều phụ huynh. Tất cả đều mong muốn năm học mới bắt đầu với những nụ cười hồn nhiên, tươi vui của học sinh. Khó khăn, hãy để phần cho người lớn gánh vác.

PHƯƠNG LAN