Trao đổi tại buổi giám sát
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tấn Rạng phát biểu tại buổi giám sát
Đến nay, Tri Tôn có 5 xã được công nhận xã nông thôn mới, trong đó có 1 xã nông thôn mới nâng cao. Đánh giá Bộ tiêu chí xã nông thôn mới theo Quyết định 1260/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang, đa số các xã đều không đạt tiêu chí về quy hoạch, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều…
Tổng vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2023 hơn 19,51 tỷ đồng; vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 hơn 55,26 tỷ đồng, trong đó phân bổ năm 2022 và 2023 gần 22,14 tỷ đồng, với 53 công trình, đến nay giải ngân đạt 60,61%.
Theo UBND huyện Tri Tôn, do số lượng chỉ tiêu, tiêu chí và yêu cầu đạt chuẩn của từng chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tăng so với bộ tiêu chí giai đoạn trước, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu và công tác duy trì bền vững sau khi đạt chuẩn nông thôn mới của các xã. Việc triển khai thực hiện kinh phí theo Thông tư 55/TT-BTC của Bộ Tài chính còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn…
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy An Giang ghi nhận những khó khăn của huyện Tri Tôn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời lưu ý huyện tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp trong xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới các hình thức tổ chức kinh tế, liên kết, hợp tác trong sản xuất…
Sau đợt giám sát, đoàn giám sát sẽ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang có giải pháp phù hợp hơn để thực hiện chương trình trong giai đoạn tới.
N.C